Quy định về hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng
Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2024/NĐ-CP ngày 6/9/2024 quy định về hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng có hiệu lực từ ngày 1/11/2024.
Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng là cơ sở dữ liệu về hoạt động xây dựng trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, chia sẻ, quản lý, duy trì và cập nhật thông qua phương tiện điện tử đáp ứng yêu cầu truy nhập và sử dụng thông tin của các ngành kinh tế và phục vụ lợi ích công cộng.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng bao gồm cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng; cơ sở dữ liệu về dự án đầu tư xây dựng, công trình xây dựng; cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng và các hoạt động khác liên quan đến đầu tư xây dựng.
Nghị định quy định hình thức khai thác cơ sở dữ liệu gồm: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và bằng văn bản theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin đối với các thông tin, dữ liệu không thuộc dữ liệu mở quy định tại khoản 3 Điều 6 và khoản 4 Điều 7 Nghị định này.
Nhiều chính sách của nhà nước về hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2024/NĐ-CP ngày 12/9/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.
Nghị định số 113/2024/NĐ-CP quy định nhiều chính sách của nhà nước về hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hiệu lực từ ngày 1/11/2024 như: Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ thông tin; chính sách hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn; chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả; chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp…
Sửa quy định về xử lý đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tẩy xóa, sửa chữa
Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2024/NĐ-CP ngày 18/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trong đó, Nghị định số 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP liên quan đến việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: "Tịch thu tang vật là giấy phép, chứng chỉ hành nghề… bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung" đối với hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động thành biện pháp khắc phục hậu quả "buộc nộp lại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp các loại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ đó".
Nghị định số 117/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2024
Quy định mới về chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế đối với phạm nhân
Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2024/NĐ-CP ngày 30/9/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực từ ngày 15/11/2024.
Trong đó, Nghị định quy định rõ các chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế đối với phạm nhân.
Về chế độ ăn, Nghị định quy định phạm nhân được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 17 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 1 kg thịt lợn; 1 kg cá; 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối; gia vị khác (tương đương 0,5 kg gạo tẻ); chất đốt (tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than).
Chế độ ăn trong các ngày lễ, Tết của phạm nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật và khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Phạm nhân lao động thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật thì định lượng ăn được tăng thêm nhưng tổng mức ăn không quá 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Ngoài tiêu chuẩn ăn quy định trên, phạm nhân được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không quá 03 lần định lượng ăn trong 01 tháng cho mỗi phạm nhân và phải thông qua hệ thống lưu ký và căng-tin phục vụ sinh hoạt cho phạm nhân của cơ sở giam giữ.
Sửa một số quy định về liên kết giáo dục
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2024/NĐ-CP ngày 5/10/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Nghị định số 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định về liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài. Trong đó, Nghị định 124/2024/NĐ-CP yêu cầu các bên liên kết có trách nhiệm công khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng cho học sinh, cha mẹ học sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục các thông tin về chương trình giáo dục và kết quả kiểm định, số lượng giáo viên người nước ngoài, số lượng học sinh nước ngoài, phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, các nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin này.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/11/2024.
Điều kiện, thủ tục thành lập trường mầm non
Chính phủ ban hành Nghị định 125/2024/NĐ-CP ngày 5/10/2024 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; trong đó quy định rõ điều kiện, thủ tục thành lập trường mầm non có hiệu lực từ ngày 20/11/2024.
Nghị định quy định điều kiện thành lập nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non công lập hoặc cho phép thành lập nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non dân lập, tư thục (gọi chung là trường mầm non):
1- Có đề án thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan của địa phương nơi trường đặt trụ sở.
2- Đề án xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục mầm non; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy; nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển trường mầm non.
Điều kiện thành lập hội
Từ 26/11, Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 8/10/2024 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội có hiệu lực.
Theo Nghị định 126/2024/NĐ-CP, việc thành lập hội từ ngày 26/11/2024 phải đảm bảo các điều kiện:
1- Tên gọi của hội phải đảm bảo các điều kiện theo quy đinh;
2- Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động.
3- Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật.
4- Có điều lệ, trừ hội quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định này.
5- Có trụ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này.
6- Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác.
7- Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội
5 hình thức giám sát cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ từ 15/11
Từ 15/11, Thông tư số 46/2024/TT-BCA ngày 30/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chính thức có hiệu lực.
Đáng chú ý, thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 11 "Hình thức giám sát của nhân dân". Trong đó, nhân dân được giám sát thông qua các hình thức sau: Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Các trường hợp mua cổ phiếu mà không cần có đủ tiền khi đặt lệnh
Từ ngày 2/11, Thông tư số 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán chính thức có hiệu lực.
Thông tư sửa đổi, bổ sung việc nhà đầu tư phải có đủ tiền khi đặt lệnh mua chứng khoán, ngoại trừ các trường hợp: Nhà đầu tư giao dịch ký quỹ theo quy định; Tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh theo quy định.
Thông tư quy định mới về mức lãi suất từ ngày 20/11/2024
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành hàng loạt Thông tư quy định về mức lãi suất của tổ chức, cá nhân có hiệu lực từ ngày 20/11/2024. Cụ thể:
- Thông tư 46/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024 về quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư nêu rõ: Tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ không vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ đối với tiền gửi của tổ chức và tiền gửi của cá nhân.
Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ quy định tại Thông tư này bao gồm các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.
- Thông tư số 47/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024 sửa đổi khoản 3 Điều 3 Thông tư số 04/2022/TT-NHNN ngày 16/6/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Một điểm đáng chú ý trong Thông tư số 47/2024/TT-NHNN là quy định rõ ràng về mức lãi suất áp dụng khi khách hàng rút tiền gửi trước hạn. Cụ thể, nếu khách hàng rút trước hạn toàn bộ số tiền gửi, tổ chức tín dụng sẽ áp dụng mức lãi suất tối đa bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó, theo từng đối tượng khách hàng hoặc loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn.
- Thông tư 48/2024/TT-NHNN 30/9/2024 quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trong đó, Thông tư nêu rõ lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam không vượt quá lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn dưới 1 tháng, có kỳ hạn từ 1 - dưới 6 tháng trong từng thời kỳ và từng loại hình tổ chức tín dụng.
Bổ sung quy định trường hợp chỉ dẫn sai trong sở hữu công nghiệp
Thông tư số 6/2024/TT-BKHCN ngày 30/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp có hiệu lực từ 15/11/2024.
Thông tư bổ sung quy định trường hợp chỉ dẫn sai trong sở hữu công nghiệp. Theo đó, từ 15/11/2024, việc chỉ dẫn sai được hiểu là việc ghi trên hàng hóa, bao bì hàng hóa cụm từ "được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của…" hoặc chỉ dẫn có nghĩa tương tự bằng tiếng Việt/tiếng nước ngoài thuộc một trong các trường hợp:
- Người sử dụng chưa được chuyển quyền sử dụng hợp pháp đối tượng sở hữu công nghiệp.
- Có hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp những thông tin gồm tên, số hợp đồng… trong nội dung chỉ dẫn không chính xác.
Sửa đổi hồ sơ công nhận văn bằng nước ngoài
Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung các loại hồ sơ công nhận văn bản nước ngoài sử dụng tại Việt Nam trong Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT ngày 2/5/2024 có hiệu lực từ 02/11/2024.
Theo đó, khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT đã sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT về hồ sơ công nhận văn bằng ở nước ngoài như sau:
- Bản sao/Bản sao từ sổ gốc văn bằng đề nghị công nhận kèm bản công chứng dịch sang tiếng Việt (quy định cũ còn yêu cầu bản sao văn bằng, chứng chỉ có liên quan trực tiếp).
- Bản sao phụ lục văn bằng/kết quả học tập kèm bảng công chứng dịch sang tiếng Việt (giữ nguyên theo quy định cũ).
- Minh chứng thời gian học ở nước ngoài gồm: Quyết định cử đi học và tiếp nhận của đơn vị quản lý lao động; Hộ chiếu, trang thị thực có visa, dấu xuất nhập cảnh tương đương thời gian du học; Giấy tờ chứng minh khác.
Điều kiện xét thăng hạng với viên chức trợ giúp viên pháp lý
Thông tư 09/2024/TT-BTP ngày 6/9/2024 của Bộ Tư pháp quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý có hiệu lực từ ngày 1/11/2024.
Theo quy định, viên chức trợ giúp viên pháp lý đăng ký dự xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
- Đang giữ chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng II và đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý theo quy định tại Điều 4 Thông tư 05/2022/TT-BTP.
- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư 05/2022/TT-BTP.
- Tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (được sửa đổi theo quy định tại Khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP).
Quy định về tăng mức trợ cấp hằng tháng với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc có hiệu lực 01/11/2024
Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 53/2024/TT-BQP ngày 17/9/2024 quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Cụ thể, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2024 đối với đối tượng là:
- Quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008; Quyết định 38/2020/QĐ-TTg ngày 06/5/2010.
- Quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 62/2022/QĐ-TTg ngày 09/11/2011.
Theo đó, mức trợ cấp hằng tháng sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể như sau:
- Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 2.628.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 2.746.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2.868.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2.988.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 3.105.000 đồng/tháng.
Quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/11/2024.
Xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT ngày 18/9/2024 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 4/11/2024 quy định viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương viên chức tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
- Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;
- Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Bản in