Kinh tế thứ tư, 20 11 2024 14:17

Ứng dụng khoa học và công nghệ: Nhiều nông dân huyện Đắk R'lấp khai thác mủ cao su bằng phương pháp ép khí Ethylene


Thời gian gần đây, một số hộ gia đình trên địa bàn huyện Đắk R’lấp đã thực hiện việc khai thác mủ cao su bằng phương pháp ép khí Ethylene. Việc áp dụng phương pháp khai thác mới này đã góp phần giảm bớt công lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp khai thác mủ cao su truyền thống trước đây.

Hơn 1 năm về trước, ông Lê Công Đầu, ở thôn Quảng Phước, xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) đã thử nghiệm khai thác mủ cao su bằng phương pháp ép khí Ethylene. Lúc mới thực hiện, ông Đầu mua 200 dụng cụ ép khí thực hiện cho 200 cây cao su. Sau khi thử nghiệm, ông Đầu nhận thấy phương pháp mới này vừa đỡ công lao động mà năng suất, chất lượng mủ cũng vượt trội hơn trước. Sau đó, ông tự tin áp dụng đại trà để khai thác 800 cây cao su còn lại của gia đình.

Ông Lê Công Đầu áp dụng phương pháp khai thác mủ cao su bằng phương pháp ép khí Ethylen

Ông Đầu cho biết, phương pháp khai thác mới này hạn chế việc tiếp xúc với bề mặt thân nên cây sẽ không bị mất da, cho gỗ tốt, hạn chế được bệnh khô miệng và nấm. Việc này sẽ giúp tăng tuổi thọ khai thác mủ cây cao su so với khai thác theo phương pháp cạo mủ truyền thống. Với phương pháp này, ông chỉ cần 1 lần chọc mủ trên diện tích 1 ha cao su thì đã thu hoạch được 110 kg – 120 kg mủ (hơn rất nhiều so với 50 – 60 kg của phương pháp cạo mủ truyền thống).

"Trong thời điểm giá mủ cao su xuống thấp, công lao động tốn kém, nếu khai thác theo phương pháp truyền thống, người nông dân chúng tôi đành bỏ vườn cao su chứ không dám khai thác vì giá bán không bù nổi tiền thuê nhân công. Phương pháp khai thác mủ cao su này đã giúp gia đình tôi có thêm thu nhập, chứ không phải bỏ hoang vườn cao su như trước"- ông Đầu khẳng định.

Thấy phương pháp khai thác mủ cao su bằng phương pháp ép khí Ethylene mang lại hiệu quả, bà Vũ Thị Luyện, ở thôn 3, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) cũng không ngần ngại đầu tư tiền mua trang thiết bị về áp dụng cho vườn cao su của gia đình.

Sau khi sử dụng, bà Luyện cảm nhận: “Theo phương pháp cũ, người trồng cao su phải dậy sớm từ 2-3 giờ sáng để khai thác. Phương pháp này rất vất vả và nguy hiểm do phải làm việc vào ban đêm. Từ khi áp dụng công nghệ mới này, gia đình tôi đã thoải mái hơn trong việc khai thác cây trồng, trong khi năng suất mủ cao su lại tăng cao, còn chi phí nhân công giảm mạnh”.

Phương pháp khai thác mủ cao su này được thực hiện bằng cách ép khí (bơm khí Ethylene vào cây cao su). Các dụng cụ thực hiện phương pháp này bao gồm: nắp chóp, túi giữ khí, ống bơm khí… Theo đó, sau khi đóng nắp chóp và bơm khí, các hóc môn Ethylene sẽ thẩm thấu vào vỏ cây trong khoảng thời gian 24 giờ. Sau đó, người nông dân sẽ dùng máy khoan cầm tay khoan 1 lỗ trong bán kính 20 – 30 cm xung quanh nắp chóp để gắn ống nhựa cho mủ cao su chảy ra.

Bộ thiết bị gồm túi khí, bình bơm khí Ethylene, nắp chóp với kinh phí đầu tư ban đầu hơn 15.000 đồng/cây, khoảng 10 triệu đồng cho 1 ha, sử dụng từ 3-5 năm. Cách thức hoạt động của công nghệ mới này là sau khi gắn nắp chóp và bơm khí, khí Ethylene sẽ thẩm thấu vào vỏ cây để quy tụ mủ. 4  ngày khoan 1 lần, một tháng khoan 7 lần, lượng mủ tăng lên từ 10 - 30% so với phương pháp truyền thống nhưng chất lượng mủ, sức khỏe của cây không giảm so với cách khai thác truyền thống.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk R’lấp, Ethylene thực chất là một loại hóc môn thực vật có trong cây cao su. Trong quá trình cây cao su bị khai thác thì hóc môn Ethylene sẽ ngày càng giảm theo số lượng da cây mất đi. Việc ứng dụng thành công phương pháp khai thác mủ cao su bằng ép khí Ethylene của một số nông dân đã tạo tiền đề để các hộ gia đình khác trên địa bàn huyện học tập, làm theo. Mặt khác, phương pháp khai thác mủ cao su bằng cách ép khi Ethylene đã mở ra hướng đi mới, đem lại lợi nhuận cho người trồng cao su trước những biến động về giá cả, thị trường như hiện nay.

Theo Đăk Nông Điện tử


Bản in



Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
4
0
3
9
0

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
3
7