Thôn Tân Phú có nhiều đoạn đường nối từ Quốc lộ 14 vào địa bàn thôn. Nhà chị Phạm Thị Dung và nhiều hộ dân trong thôn hàng ngày phải đi qua con đường bê tông này. Trong đợt mưa lớn vào giữa tháng 8 vừa qua, con đường bị đất vùi lấp và sạt lở bên hông nên rất nguy hiểm. Mặc dù là đường bê tông nhưng qua quan sát nó đã trở thành đường đất khó đi, lầy lồi và trơn trượt.
Việc sạt lở đất là do các hộ dân phía trên đổ đất để lấy mặt bằng với khối lượng rất lớn. Quá trình đổ đất không có các phương án như: làm bờ kè, xây dựng mương thoát nước… để bảo vệ khu vực phía dưới, dẫn đến khi xảy ra mưa lớn nên đất theo nước trôi xuống đường bê tông.
Con đường bê tông thôn Tân Phú được làm từ năm 2018 có chiều dài 800m. Đường nối giữa quốc lộ 14 và 3 thôn Tân Phú, Tân Bình, Tân Tiến và thôn Đoàn Kết. Lượng người và phương tiện qua lại rất đông. Theo quan sát, hiện một số hộ dân ở khu vực bị đất sạt lở xuống này phải dùng bạt ni lông, bao đất để làm “đê” trước nhà. Tuy nhiên, lượng đất bị sụt đã gây khó khăn cho việc đi lại, gây nguy hiểm trực tiếp cho việc người tham gia giao thông.
Trước đó, vào thời điểm sạt lở là ngày 12/8, UBND xã Đắk Ru đã thuê máy móc và huy động lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên cùng với bà con đến để dọn dẹp đoạn đường bị đất vùi lấp và đã cơ bản dọn lớp đất trên mặt đường bê tông, bảo đảm việc đi lại tạm thời. Các lực lượng cũng đã hỗ trợ người dân dọn dẹp một phần đất tràn vào nhà cửa, công trình. Tuy nhiên, qua quan sát, về lâu dài nếu có mưa lớn mà không có phương án khắc phục thì đất sẽ tiếp tục sạt lở.
Theo chính quyền xã Đắk Ru, do địa hình chia cắt mạnh, một số người dân san lấp mặt bằng để xây dựng công trình. Tuy nhiên, nhiều hộ dân không có phương án chống sạt lở nên xuất hiện tình trạng sụt lún trong những ngày mưa.Điều người dân khu vực sạt lở mong mỏi nhất hiện nay là chính quyền xã cần có phương án cụ thể để xử lý khắc phục sự cố sạt lở để người dân an tâm sinh sống và đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông./.
Lệ Sương
Bản in