hực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp cả về số lượng, chất lượng theo Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh ta đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc vận động hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.
|
Cửa hàng tạp hóa Hóa Phượng (phường Nghĩa Thành, Gia Nghĩa) là một hộ kinh doanh cá thể có doanh thu lớn nhưng vẫn chưa mặn mà chuyển đổi lên doanh nghiệp
|
Chưa đạt mục tiêu
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, phát triển doanh nghiệp hiện nay được xác định có 3 nguồn cơ bản gồm: Doanh nghiệp khởi nghiệp mới hoàn toàn, doanh nghiệp hiện có phát triển quy mô lớn hơn và chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình thực tế hiện nay, doanh nghiệp khởi sự mới tỷ lệ thành công thường không cao nên không kỳ vọng nhiều về đóng góp tăng trưởng số lượng. Riêng doanh nghiệp hiện có phát triển thêm công ty mới tuy được đánh giá là nâng cao chất lượng, nhưng không kỳ vọng tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp. Do vậy, việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là giải pháp để có thể nâng con số doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng.
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 20.000 hộ kinh doanh cá thể. Mỗi năm, số hộ kinh doanh đóng góp khoảng trên 20% vào tổng thu ngân sách Nhà nước của địa phương. Trong số này, có khoảng trên 40% hộ kinh doanh có thể phát triển lên doanh nghiệp với đa phần được đánh giá có tiềm năng vận động, hỗ trợ phát triển lên doanh nghiệp. Đây là những hộ sử dụng trên 10 lao động, có doanh thu từ 50 triệu đồng/tháng trở lên. Tiềm năng là vậy nhưng thực tế những năm qua, con số doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh là không nhiều. Hầu hết mục tiêu đề ra hằng năm về nội dung này của tỉnh đều không thực hiện được.
Cụ thể như năm 2017, mục tiêu đặt ra là toàn tỉnh chuyển đổi hơn 80 hộ kinh doanh lên doanh nghiệp nhưng kết quả chỉ có 10 hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp; năm 2018, mục tiêu là 120 hộ nhưng kết quả cũng chỉ có 12 hộ chuyển đổi. Năm 2019, chúng ta đưa ra mục tiêu là 150 hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp nhưng gần qua 6 tháng đầu năm, con số chuyển đổi cũng không bao nhiêu.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Phòng Đăng ký Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ: Chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là chủ trương vừa có lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi, vừa có lợi cho nền kinh tế. Chủ trương này góp phần thúc đẩy chính quyền thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính thông thoáng hơn. Từ đây, các doanh nghiệp dễ dàng nhận diện cơ hội làm ăn lớn hơn. Hơn thế, sau khi chuyển đổi giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Cụ thể, với tư cách pháp nhân là doanh nghiệp thì hàng hóa cũng dễ thâm nhập vào các hệ thống phân phối lớn hơn, từ đó, tạo điều kiện phát triển và nâng tầm thương hiệu.
|
Mặc dù được các cấp, ngành vận động chuyển đổi lên doanh nghiệp, nhưng cửa hàng thực phẩm Vissan (Đắk R'lấp) vẫn chưa mấy mặn mà
|
Vì chưa thấy được nhiều lợi ích so sánh
Qua tìm hiểu thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mục tiêu chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp gặp khó nhưng chung quy, phần lớn các hộ kinh doanh chưa muốn chuyển lên doanh nghiệp vì họ chưa tìm thấy những lợi ích so với mô hình hoạt động cũ.
Ông Vũ Văn Thiện, Cục phó Cục Thuế tỉnh phân tích: “Nhiều hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, đơn giản, truyền thống gia đình, không có nhu cầu lên doanh nghiệp. Một bộ phận khác còn e ngại chuyển lên doanh nghiệp là vì sau khi chuyển đổi, nghĩa vụ pháp lý có phần nhiều hơn như các giấy phép về môi trường, e ngại các cuộc thanh tra, kiểm tra, thủ tục kê khai, quyết toán thuế, thuê mướn thêm kế toán làm cho chi phí gián tiếp tăng thêm”.
Cùng với lý do trên, hiện nay, có nhiều hộ kinh doanh muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp để mở rộng quy mô, nhưng lại thiếu kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh dưới mô hình doanh nghiệp như: Tài chính, nhân sự, bán hàng, rủi ro… nên chưa đủ tự tin để phát triển lên doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Đấu, Chủ quán ăn Tân Tân, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) chia sẻ: “Gần mấy chục năm hoạt động trong lĩnh vực này, với số lượng khách hàng tương đối ổn định. Nguyên liệu thực phẩm được lấy từ nhiều nguồn và những mối lâu năm. Hầu hết hàng hóa đều sử dụng giấy viết tay, chứ không có hóa đơn, chứng từ theo mẫu. Chưa kể, nhiều trường hợp khách hàng cũng không ai yêu cầu xuất hóa đơn cho một bữa ăn”.
Cũng theo bà Đấu, từ trước đến nay, các khoản thu, chi đều do thành viên trong gia đình quản lý, ghi chép một cách tương đối. Nếu chuyển đổi lên doanh nghiệp, bắt buộc sử dụng hóa đơn, chứng từ thu, chi. Điều này buộc phải tìm nguồn nguyên liệu có sử dụng hóa đơn. Chưa kể, quán phải thuê thêm kế toán để làm sổ sách, kê khai thuế cho đúng quy định. Như vậy, quá trình chuyển đổi lên doanh nghiệp khá phức tạp, tốn kém.
Thực tế, việc thiếu kỹ năng quản lý là một thách thức cho sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh cá thể này. Bởi vì, đa số hộ kinh doanh cá thể hiện nay không có kỹ năng kế toán. Theo thống kê từ Cục Thuế tỉnh, trong số hàng ngàn hộ kinh doanh mà đơn vị quản lý, có hơn 70% trường hợp không có hồ sơ hoặc không ghi chép kế toán, dù chỉ là ghi chép đơn giản. Trong khi hiện nay, chưa có văn bản nào quy định rõ rằng những quyền lợi mà hộ kinh doanh được hưởng khi chuyển sang doanh nghiệp. Mặt khác, chính sách thuế và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuế hiện có lợi cho hộ kinh doanh hơn doanh nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn vẫn không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp.
|
Theo kế hoạch, đến năm 2020, tỉnh Đắk Nông phấn đấu có 5.000 doanh nghiệp hoạt động. Đến hết tháng 4/2019, toàn tỉnh có gần 4.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; trong đó có 2.918 doanh nghiệp đang hoạt động và có phát sinh thuế. Trong tổng số này, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 86,64%; doanh nghiệp nhỏ chiếm 12,68%; còn lại là doanh nghiệp vừa.
|
Lắng nghe để tiếp sức cùng hộ kinh doanh
Ông Trần Văn Thuân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ: Mỗi người có thể thành lập ra một doanh nghiệp thì số lượng doanh nghiệp sẽ tăng rất nhanh, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là chất lượng hoạt động của doanh nghiệp như thế nào. Do vậy, phát triển doanh nghiệp không nên chạy theo số lượng kiểu quy hoạch, mà vấn đề là phải tạo ra môi trường để doanh nghiệp tự lớn mạnh. Từ mục tiêu này, để hộ kinh doanh tự nguyện chuyển đổi và hoạt động tốt thì UBND tỉnh, các sở, ngành cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là lĩnh vực cải cách hành chính liên quan đến hoạt động doanh nghiệp. Làm sao để doanh nghiệp được tạo thuận lợi đơn giản nhất, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật sau khi chuyển đổi từ thủ tục đăng ký thành lập, kê khai, nộp thuế đến các thủ tục xin cấp phép…
Liên quan đến vấn đề này, ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, thời gian tới, các đơn vị liên quan phải thắt chặt kỷ cương, tuân thủ pháp luật, kiên quyết xử lý các trường hợp gian lận thương mại, trốn thuế, không tuân thủ các quy định về môi trường, nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong kinh doanh để doanh nghiệp sau khi chuyển đổi sẽ có sự cạnh tranh công bằng, thậm chí còn có ưu thế hơn so với hộ kinh doanh. Có như vậy mới góp phần giảm thiểu các rủi ro liên quan đến cạnh tranh. “Về phía đơn vị, sẽ thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ pháp lý, phổ cập kiến thức quản trị cho chủ hộ kinh doanh, cũng như nghiên cứu nhận định thị trường. Chúng tôi sẽ thành lập các tổ có chức năng tư vấn miễn phí về thủ tục thành lập, đăng ký kinh doanh, các hoạt động liên quan đến phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật”, ông Trung cho biết thêm.
Nguồn: Báo Đắk Nông điện tử
Bản in