Đến thăm nhóm sản xuất hồ tiêu sạch tại xã Nhân Đạo huyện Đăk R’Lấp sau hơn 2 năm thành lập. Nhận được sự kết nối cũng như hướng dẫn nhiệt tình từ ngành nông nghiệp huyện nhóm đã ký kết với công ty Ton Kin Group để được hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cũng như tạo đầu ra cho sản phẩm hồ tiêu. Trong 2 năm qua nhóm sản xuất hồ tiêu sạch tại xã đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nâng cao giá trị sản phẩm cho loại cây trồng chủ lực của địa phương. Với sự tham gia của 11 hộ với trên 40 ha hồ tiêu, bình quân mỗi năm, nhóm đã xuất bán cho công ty 80 tấn hồ tiêu đạt chuẩn với mức giá chênh lệch năm đầu tiên là 7.000 đồng và những năm tiếp theo là 3.000 đồng.
Đối với các hộ khi tham gia vào nhóm, hồ tiêu phải được chăm sóc theo quy trình kỹ lưỡng. Nói không với sử dụng phân bón hóa học và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ theo đúng định kỳ. Nhận định về hướng đi của nhóm sản xuất hồ tiêu sạch, bà Nguyễn Thị Thanh- Chủ Tịch Hội nông dân xã Nhân Đạo huyện Đăkr’lấp khẳng định: Chỉ có hợp tác, liên kết thì mới giải được bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển bền vững trước những biến động của thị trường. “So với sản xuất nhỏ lẻ, việc liên kết sẽ giúp đầu ra sản phẩm được ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Giá sản phẩm hồ tiêu bán ra thị trường cao hơn và được người dân cập nhật thường xuyên, nông dân không phải nơm nớp lo việc bị ép giá trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, chỉ chuyên tâm vào sản xuất theo đúng quy trình”.
Không chỉ khi tham gia vào hợp tác xã (HTX) hay tổ hợp tác (THT) người nông dân mới được hưởng những ưu đãi trong phát triển kinh tế. Trên địa bàn huyện Đăk R’Lấp hiện nay cũng xuất hiện nhiều gương điển hình trong việc tự tìm tòi, học hỏi không những từ mô hình kinh tế phát triển hiệu quả mà còn từ các nguồn trên các trang mạng xã hội về nông nghiệp. Đồng thời liên kết với các doanh nghiệp có uy tín nhằm đưa sản phẩm ra thị trường với giá nông sản cao gấp 5 lần. Điển hình như anh Nguyễn Nhật Huân ở thôn 14 xã Đăk wer. Tháng 5/2019, anh đã tiến hành chặt bỏ vườn cây cà phê chuyển sang trồng chanh dây hữu cơ để xuất khẩu. Gia đình anh lựa chọn giống chanh dây tím Đài Loan để trồng. Vườn chanh dây của anh được trồng và chăm sóc theo quy trình khép kín, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước và làm giàn chắc chắn, đảm bảo cho cây phát triển tốt, cho quả to, đều. Hầu hết sản lượng quả thu hoạch đều có công ty thu mua với giá cao gấp 4-5 lần chanh thường. Anh cho biết, trồng chanh dây hữu cơ không rơi vào tình trạng được mùa mất giá như những vườn chanh dây khác. Để chanh dây xuất khẩu được sang nước ngoài đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn, trong đó phải sạch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ khi xuống giống khoảng 5 tháng thu hoạch. Với 5 sào chanh dây mới thu bói đã thu về 40 triệu đồng.
Trước tình hình hồ tiêu chết hàng loạt và giá các loại nông sản xuống thấp thì mô hình trồng chanh dây hữu cơ xuất khẩu hay trồng măng tây xanh là hướng phát triển kinh tế nhiều triển vọng. Đến nay, diện tích chanh dây trên địa bàn xã Đắk Wer đã lên đến 15ha. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ an toàn; đồng thời chủ động liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, tránh rủi ro cho nông dân khi làm ra sản phẩm mà không có người thu mua.
Khác với nông nghiệp công nghệ cao đó là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, nông nghiệp 4.0 chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp 4.0 sẽ mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, sử dụng lối tư duy trồng trọt mang tính đồng bộ. Từ đó không chỉ đưa sản phẩm nông nghiệp đơn thuận xuất trong nước mà còn vươn ra những nước bạn với những sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng.
Ngô Tấm – Thanh Tiến
Bản in