Kinh tế thứ bảy, 22 02 2020 10:50

Mô hình dưa lưới ứng dụng công nghệ cao


Trở lại thăm mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của anh Nguyễn Anh Tuấn ở thôn 8 xã Kiến Thành, chúng tôi thấy rõ được sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao mang lại. Thay vì dưa lưới được trồng trong căn nhà kính rộng hơn 1.040m2 như thời gian đầu thì nay đã tăng lên trên 8.000m2, những hàng dưa xanh mướt cho trái nặng trĩu đã bước đầu mang lại hiệu quả.

Là một giống cây mới kén đất trồng, thế nhưng loại dưa lưới này đã được anh Tuấn trồng thành công và cho hiệu quả cao. Chỉ tính riêng trong năm 2019, anh Tuấn đã xuất ra thị trường 12 tấn dưa lưới, vào dịp tết nguyên đán Canh Tý năm 2020 anh đã xuất ra thị trường thêm 6 tấn dưa. Nói về đầu ra cho sản phẩm, anh Tuấn cho biết: “Dưa lưới của gia đình được Siêu thị VinGroup Sài Gòn- Hà Nội thu mua bao tiêu sản phẩm với giá 40.000 đồng/kg dưa loại I và 30.000 đồng/kg dưa loại II không kể ngày thường hay dịp tết”. Theo tính toán: Lợi nhuận mang lại khá cao khoảng 150 triệu đồng trên một nhà kính có diện tích trên 1.000m2, cao hơn hẳn so với trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu.

          Dưa lưới được trồng trong nhà kính, có hệ thống tưới tiêu tự động nên khi thu hoạch xong, các cây mới sẽ được trồng thay thế cho cây cũ. Chính vì vậy, anh Tuấn có thể canh tác quanh năm trong mọi điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, vào mùa mưa sẽ gặp một chút khó khăn do dưa lưới là loại cây ưa nắng. Chia sẻ với chúng tôi anh Tuấn cho biết thêm, khác với phương pháp canh tác tự nhiên, việc trồng dưa ứng dụng công nghệ cao phải đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn kĩ thuật nghiêm ngặt từ khâu làm đất, trong đó chú trọng đến việc xử lý vôi, kỹ thuật bón phân, nước tưới… Đặc biệt, do cây được trồng trong nhà kính nên hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch…Hiện nay anh đã tiến hành liên kết với 09 hộ dân trên địa bàn huyện Đăkrlấp và Tuy Đức để sản xuất dưa lưới.

Theo ông Phạm Quang Vượng- trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Hiện các mô hình trồng dưa lưới trên địa bàn huyện đều đang phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Bình thường nếu áp dụng phương pháp canh tác truyền thống ngoài trời rất dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết và sâu bệnh rất nhiều. Tuy nhiên, ngược lại sản xuất trong nhà kính hạn chế được tất cả các nhược điểm trên. Nhà vườn có thể chủ động được độ ẩm trong đất hạn chế được các loại dịch bệnh đối với cây trồng nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Qua triển khai các mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn, kết quả cho thấy, canh tác trong nhà kính tăng năng suất so với phương pháp canh tác truyền thống từ 30-50% đặc biệt là vào mùa mưa, đây là giai đoạn người nông dân sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình trồng. Tuy nhiên, với những mô hình mới như thế này đang đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp sẽ có hướng hỗ trợ vốn cho những hộ có nhu cầu.

          Định hướng của huyện trong thời gian tới là tập trung phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch để người dân có thể sản xuất và canh tác trái vụ. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như tăng năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường.

                                                                   Ngô Tấm – Khánh Hiền


Bản in



Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
4
0
3
9
0

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
3
7