I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Phát động toàn xã hội tham gia “Tháng hành động vì môi trường” trong thời gian từ nay đến hết tháng 6 năm 2025 với các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới; Lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường vào các chương trình, kế hoạch hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương; Huy động sức mạnh của tập thể, các tổ chức, đoàn thể, hiệp hội doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đoàn thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân trong huyện cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và chất lượng cuộc sống, giảm thiểu rác thải nhựa, túi nilon dùng một lần; quản lý, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, tài nguyên thiên nhiên và tiết kiệm năng lượng, chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí và bám sát theo sự phát động của Bộ Nông nghiệp & Môi trường, UBND tỉnh Đắk Nông, gắn với triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị, các hoạt động đoàn thể xã hội, các phong trào quần chúng…
II. THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG.
Ngày Môi trường Thế giới 05 tháng 6 năm 2025 do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution), nhằm kêu gọi cộng đồng toàn cầu hành động quyết liệt để giải quyết rác thải nhựa - một trong những thách thức môi trường cấp bách nhất hiện nay. Đây là lần thứ hai trong vòng ba năm (2023-2025) chủ đề này được lựa chọn, thể hiện rõ tính ưu tiên toàn cầu trong kiểm soát ô nhiễm nhựa, đồng thời tái khẳng định cam kết sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao khả năng thích ứng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác khu vực-toàn cầu, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Theo báo cáo của UNEP, mỗi năm thế giới sản xuất khoảng 430 triệu tấn nhựa, trong đó hơn 2/3 là các sản phẩm sử dụng một lần, nhanh chóng trở thành rác thải, gây ô nhiễm đại dương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Tại Việt Nam, ước tính phát sinh khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, nhưng chỉ khoảng 27% được tái chế, phần lớn còn lại bị chôn lấp hoặc đốt bỏ, gây lãng phí Nông nghiệp và tiềm ẩn nhiều rủi ro môi trường.
Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chính sách, chương trình, chiến lược quan trọng nhằm tăng cường quản lý chất thải nhựa và giảm thiểu ô nhiễm nhựa, điển hình như: Luật Bảo vệ môi trường nâm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành với quy định cụ thể về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa, tăng cường nghiên cứu khoa học, triển khai mô hình hợp tác công - tư trong quản lý rác thải nhựa hướng tới kinh tế tuần hoàn; tích cực tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa (INC) và nhiều sáng kiến quốc tế khác.
Thời gian phát động “Tháng hành động vì môi trường”: hết tháng 6 năm 2025, với trọng tâm là Chiến dịch toàn quốc “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa - Lan tỏa lối sống xanh”, nhằm huy động toàn xã hội tham gia các hoạt động thiết thực, đa dạng và lan tỏa sâu rộng.
Thông tin, tài liệu truyền thông chủ đề Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2025 được đăng tải tại Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Môi trường (https://www.mae.gov.vn/); Cục Môi trường (http://vea.mae.gov.vn); Báo Nông nghiệp và Môi trường (https://nongnghiepmoitruong.vn/; Trung tâm Truyền thông Nông nghiệp và môi trường (https://tainguyenmoitruong.gov.vn/)
Thông điệp truyền thông:
1. Thông điệp trọng tâm.
- Vì một Việt Nam không rác thải nhựa - Hành động hôm nay, sống xanh mai sau.
- Giảm chất thải nhựa - Giữ rừng, giữ biển, giữ tương lai.
- Hành động xanh - Mỗi người dân là một chiến binh bảo vệ môi trường.
- Phân loại tại nguồn - Bước nhỏ, chuyển đổi lớn.
- Sống xanh là lựa chọn cho sức khỏe và tương lai.
- Doanh nghiệp tuần hoàn - Sản phẩm xanh - Hành tinh sạch.
- Không xả rác - Không nhựa thải - Không thờ ơ với môi trường.
2. Thông điệp đối với cộng đồng và hộ gia đình.
- Sống xanh từ bếp đến bàn - Nói không với nhựa dùng một lần.
- Túi vải hôm nay - Biển sạch ngày mai.
- Thay đổi một hành vi - Góp phần thay đổi khí hậu.
3. Thông điệp đối với doanh nghiệp - Sản xuất có trách nhiệm.
- Doanh nghiệp phát triển bền vững. - Tái chế là đầu tư, không phải chi phí.
- Doanh nghiệp tuần hoàn - Tương lai an toàn.
4. Thông điệp đối với thanh niên, học sinh, sinh viên.
- Tuổi trẻ không ngại thử thách - Hành động vì Trái đất xanh.
- Giảm nhựa - Phong cách sống hiện đại.
- Thanh niên kiến tạo tương lai bằng hành động xanh hôm nay.
5. Thông điệp đối với các địa phương và chính quyền cơ sở.
- Mỗi công trình môi trường - Một di sản cho thế hệ sau.
- Hành động từ cơ sở - Thay đổi từ gốc rễ.
- Chính quyền xanh - Cộng đồng mạnh mẽ - Tương lai bền vững
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ.
1. Các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn Kiến Đức:
Căn cứ vào tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị chọn lựa, xây dựng kế hoạch tổ chức phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, chủ động sáng tạo, đổi mới cách thức thực hiện, hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, các nội dung cụ thể như sau:
- Tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, Nghị định số 05/2025/NĐ-CP, Quyết định số 1746/QĐ-TTg, Quyết định số 1316/QĐ-TTg, Chỉ thị số 33/CT-TTg…). Lấy truyền thông chính sách làm đòn bẩy thúc đẩy thực thi pháp luật, thay đổi hành vi và tạo chuyển biến rõ nét trong kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa.
- Đồng loạt tổ chức các hoạt động cộng đồng như: Mít tinh, phong trào ra quân thực hiện vệ sinh môi trường, tổ chức dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước, thu gom và phân loại rác thải nhựa tại nguồn ở đô thị, nông thôn, khu dân cư, trường học, cơ quan, bãi bồi, sông hồ trên địa bàn huyện.
- Tuyền truyền cán bộ, công chức, người lao động, nhân dân trên địa bàn tăng cường sử dụng sản phẩm, bao bì thân thiện môi trường, hướng tới thay đổi hành vi tiêu dùng; khuyến khích áp dụng mô hình “Không nhựa” tại siêu thị, chợ dân sinh, nhà hàng, cơ quan công sở, trường học.
- Duy trì, triển khai thực hiện các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
- Phát động các mô hình cộng đồng thu hồi - tái chế - tái sử dụng nhựa dùng một lần, gắn với hệ thống bán lẻ, du lịch, trường học, cơ quan và địa phương; lựa chọn mô hình tiêu biểu để tổng kết - biểu dương - nhân rộng. Triển khai hoạt động truyền thông trực quan, đồng loạt treo pano, băng rôn, áp phích tại các trục đường chính, nơi công cộng, cơ quan, trường học, trung tâm thương mại, khu dân cư…, với thông điệp hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 2025; khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế, thân thiện môi trường trong thiết kế sản phẩm truyền thông.
2. Phòng Nông nghiệp và Môi trường.
- Tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện các nội dung theo Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 29/10/2021 của UBND huyện về việc triển khai thi hành Luật bảo vệ môi trường năm 2020; Kế hoạch số 197/KH-UBND ngày 12/11/2024 của UBND huyện về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
- Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp (đặc biệt là hoạt động chăn nuôi và canh tác nông nghiệp) và quy định về phân loại rác thải tại nguồn (theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường tại khoản 1 Điều 79 và khoản 1 Điều 75 phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2025) đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất thải tương ứng trước khi thải ra môi trường, đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường đất; đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững.
- Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và tổ chức kiểm tra, giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không đảm bảo môi trường theo quy định. Xử lý nghiêm đối với các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thay thế các cụm pano tuyên truyền tại các xã, thị trấn do phòng quản lý; tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về chủ đề Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2025 tại các khu vực công cộng, trụ sở một số cơ quan nhà nước, các trục đường chính, nơi đông người qua lại tại khu vực trung tâm huyện nhằm thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của tổ chức, cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn huyện.
- Tổng hợp, tham mưu UBND huyện báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2025, báo cáo về Sở Nông nghiệp và Môi trường sau khi kết thúc Tháng hành động.
3. Phòng Văn hoá - Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông:
Tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ đề Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường; các hoạt động, nhiệm vụ, nội dung liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý Nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung tuyên về tác hại của chất thải nhựa, tiêu dùng xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn, định hình lối sống xanh. Đa dạng các phương thức tuyên truyền; vận dụng nền tảng công nghệ và mạng xã hội để truyền thông, tạo sự lan toả, hưởng ứng của toàn xã hội.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN.
Kinh phí thực hiện các hoạt động tại kế hoạch các cơ quan, đơn vị cân đối, bố trí trong dự toán được giao từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, ngân sách nhà nước theo quy định phân cấp ngân sách của Luật Ngân sách nhà nước; các nguồn đóng góp, tài trợ hợp pháp khác (nếu có).
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Căn cứ nội dung thực hiện và phân công nhiệm vụ theo kế hoạch này, yêu cầu lãnh đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn Kiến Đức khẩn trương chỉ đạo xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, đảm bảo đúng thời gian.
2. Các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn báo cáo kết quả triển khai thực hiện (theo mẫu tại phụ lục) các hoạt động về UBND huyện (thông qua phòng Nông nghiệp và Môi trường) trước ngày 28/6/2025 để tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và Môi trường theo quy định.
3. Giao Phòng Nông nghiệp và Môi trường theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các phòng, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức các hoạt động hưởng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2025 đảm bảo theo Kế hoạch này. Tổng hợp, tham mưu UBND huyện báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Môi trường sau khi kết thúc sự kiện.
Bản in