Chuyển đổi số thứ sáu, 16 09 2022 15:30

Kế hoạch triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng nhằm triển khai hiệu quả hoạt động Chuyển đổi số trên địa bàn huyện Đắk R’lấp


Ngày 15/9/2022, UBND huyện Đắk R'lấp ban hành Kế hoạch triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng nhằm triển khai hiệu quả hoạt động Chuyển đổi số trên địa bàn huyện Đắk R’lấp

Ủy ban nhân dân huyện Đăk R'lấp ban hành Kế hoạch triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện như sau:

I. CĂN CỨ THỰC HIỆN

- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

- Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

 - Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số về Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022;

- Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

- Chương trình hành động số 17-CTr/HU ngày 23/12/2021 của Huyện ủy Đắk R’Lấp về triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 2248/QĐ-UBND ngày 18/8/2022 của Ủy ban nhân dân huyện Đăk R’lấp về Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ Chuyển đổi số huyện Đắk R’Lấp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

- Công văn số 1001/STTTT-CNTT, ngày 22/7/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng;

 - Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 08/3/2022 của Ủy ban nhân dân huyện Đăk R'Lấp về Chuyển đối số và bảo đảm An toàn thông tin mạng năm 2022;

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Huy động lực lượng ở tuyến cơ sở có tinh thần nhiệt huyết đóng góp vì lợi ích chung của cộng đồng, xây dựng, hình thành Tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, thị trấn; là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số đến cấp xã trong việc triển khai thống nhất các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn toàn huyện.

 - Thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt của các cấp chính quyền, đoàn thể ở tuyến cơ sở trong hoạt động chuyển đổi số; thực thi có hiệu quả chủ trương“lấy người dân làm trung tâm” trong chuyển đổi số; để người dân thấy được giá trị và lợi ích của chuyển đổi số, từ đó chủ động tham gia, đồng hành với chuyển đổi số.

- Đưa nền tảng số, dịch vụ số, kỹ năng số đến với người dân theo cách đơn giản, tự nhiên, dễ tiếp cận, dễ sử dụng, xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhằm tạo ra các giá trị thiết thực phục vụ cho người dân; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước, xây dựng cơ sở dữ liệu chính quyền cấp xã (bao gồm: thôn/tổ dân phố, hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã).

- Tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt hàng ngày; thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số, nâng cao dân trí, giảm khoảng cách vùng miền, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

2. Yêu cầu

 - Bảo đảm sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai các hoạt động chuyển đổi số ở tuyến cơ sở của UBND huyện, của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện.

- Các hoạt động chuyển đổi số được cụ thể hóa, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, vùng, miền; phù hợp với năng lực, điều kiện hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng; bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong tổ chức thực hiện.

- Hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng phải thiết thực, hiệu quả, sao cho các hoạt động chuyển đổi số được lan tỏa đến từng ngõ ngách, thôn, tổ dân phố, gắn với cuộc sống của người dân, từng bước hình thành khu dân cư điện tử, cộng đồng số.

III. MỤC TIÊU

Đảm bảo hoàn thành mục tiêu Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của quốc gia tại Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/5/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông và mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh, cụ thể như sau:

1. Mục tiêu năm 2022

- 100% các thôn, bon, tổ dân phố trên địa bàn huyện có Tổ công nghệ số cộng đồng và triển khai phổ cập kỹ năng số cộng đồng.

- 100% các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch chuyển đổi số được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng.

- 100% các nền tảng số, dịch vụ số được tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng.

- 80% người dân, cơ sở kinh doanh có tài khoản dịch vụ công trực tuyến khi tham gia thực hiện thủ tục hành chính.

- 60% cơ sở kinh doanh, hợp tác xã và 20% hộ gia đình đăng ký tham gia  thương mại điện tử và có tài khoản thanh toán điện tử.

- Ít nhất 10% cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình có sản phẩm, hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng và có số lượng lớn, được tập huấn, hướng dẫn xây dựng thương hiệu và sử dụng thành thạo việc mua, bán sản phẩm, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.

2. Mục tiêu đến năm 2025

Duy trì thực hiện tốt các mục tiêu đạt được trong năm 2022 và phấn đấu thực hiện:

- 100% cơ sở kinh doanh, hợp tác xã và 70% hộ gia đình đăng ký tham gia thương mại điện tử và có tài khoản thanh toán điện tử.

- 50% cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình có sản phẩm, hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng và có số lượng lớn, được tập huấn, hướng dẫn xây dựng thương hiệu và sử dụng thành thạo việc mua, bán sản phẩm, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.

- 100% các xã, thị trấn có cơ sở dữ liệu chính quyền cấp xã; 70% thôn, bon, tổ dân phố hình thành khu dân cư điện tử, cộng đồng số.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI

1. Thành lập và tổ chức hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng

a) Chủ tịch UBND cấp xã ban hành Quyết định thành lập, thay đổi thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng tại mỗi thôn/bon/tổ dân phố. Trong đó, lực lượng Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh (Đoàn Thanh niên) đóng vai trò nòng cốt, thành phần bao gồm:

- Tổ trưởng: Bí thư Chi Đoàn Thanh niên thôn/bon/tổ dân phố (hoặc Trưởng thôn/bon/tổ dân phố hoặc là người có uy tín trong thôn/bon/tổ dân phố có trình độ, am hiểu về công nghệ thông tin, tinh thần nhiệt huyết vì cộng đồng).

 - Tổ phó: 01 người do UBND xã, thị trấn quyết định.

- Thành viên Tổ có thể là Đoàn Thanh niên, Chi hội Nông dân, Chi hội Liên hiệp phụ nữ, Công an viên, cán bộ, giáo viên và các cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động cộng đồng.

- Trong đó tối thiểu 02 nhân sự có chuyên môn cơ bản về công nghệ thông tin, có năng lực sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết vì cộng đồng và kỹ năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng nền tảng số, dịch vụ số. Tổ công nghệ số cộng đồng có trách nhiệm tổ chức triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng.

- Số lượng thành viên: Do UBND xã, thị trấn quyết định, tối đa không quá 10 thành viên.

b) Nhiệm vụ của Tổ công nghệ số cộng đồng là thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân về Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số như sau:

- Tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của huyện, tỉnh về chuyển đổi số đến các cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình, người dân trong thôn, bon, tổ dân phố.

 - Hướng dẫn người dân: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số do huyện, tỉnh triển khai; tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu thông qua các nền tảng số; tiếp cận, cung cấp thông tin và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu chính quyền cấp xã thông qua các nền tảng số.

- Hướng dẫn cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn: Đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử; mở tài khoản thanh toán điện tử; sử dụng nền tảng số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và xác thực cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng.

 - Hướng dẫn ứng dụng các nền tảng số, dịch vụ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu theo các điều kiện kinh tế - xã hội đặc trưng của địa phương và theo nhu cầu của cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình,…

- Triển khai thực hiện các hoạt động về chuyển đổi số khác trên địa bàn thôn/bon/tổ dân phố theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện.

c) Công tác chuẩn bị cho hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng

- Phân nhóm hộ gia đình: Căn cứ vào điều kiện thực tế của thôn, bon, tổ dân phố, hộ gia đình, Tổ công nghệ số cộng đồng tiến hành khảo sát, lập các tiêu chí và phân nhóm hộ gia đình làm cơ sở cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng hàng năm.

- Thiết lập các điểm làm mẫu, hướng dẫn tập trung: Tổ công nghệ số cộng đồng nghiên cứu, tham mưu lập các điểm để phục vụ cho việc tổ chức các buổi làm mẫu, hướng dẫn tập trung cho người dân về việc sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số.

- Căn cứ nhiệm vụ công nghệ số cộng đồng và điều kiện thực tế của địa phương, Tổ công nghệ số cộng đồng đề xuất UBND cấp xã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động, tổ chức hội họp, trao đổi công việc của Tổ và các công việc khác có liên quan.

 - Tạo nhóm Zalo để tạo ra các nhóm mạng xã hội phục vụ cho hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, cụ thể:

+ Tổ công nghệ số cộng đồng tạo ra các nhóm mạng xã hội theo phân nhóm hộ gia đình; trưởng các nhóm mạng xã hội là thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng, thành viên nhóm mạng xã hội là người đại diện hộ gia đình.

+ UBND cấp xã tạo ra các nhóm mạng xã hội theo mỗi Tổ công nghệ số cộng đồng; trưởng các nhóm mạng xã hội là đại diện lãnh đạo của UBND cấp xã, thành viên nhóm mạng xã hội là các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng.

+ UBND huyện tạo ra các nhóm mạng xã hội theo mỗi xã, thị trấn; trưởng các nhóm mạng xã hội là đại diện lãnh đạo của UBND huyện, thành viên nhóm mạng xã hội gồm có: đại diện phòng Công nghệ thông tin - Bưu chính viễn thông - Sở Thông tin và Truyền thông, đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin, lãnh đạo UBND cấp xã, các Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng.

- Bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho Tổ công nghệ số cộng đồng:

+ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND huyện, các doanh nghiệp công nghệ số tổ chức bồi dưỡng, tập huấn triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng cho Tổ công nghệ số cộng đồng.

+ Việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn có thể thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến; việc bồi dưỡng, tập huấn được duy trì thường xuyên, nhiều lần và theo từng nội dung của nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng.

- Triển khai, duy trì hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng: Các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan đến việc tổ chức triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ, tạo điều kiện để duy trì hoạt động Tổ.

d) Tổ chức triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng

 - Hàng năm, căn cứ chỉ tiêu chuyển đổi số cộng đồng, UBND cấp xã xây dựng Kế hoạch triển khai chi tiết nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng cho các Tổ công nghệ số cộng đồng, bảo đảm tính khả thi, bám sát thực tiễn (theo điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, vùng miền, thời tiết, khí hậu, nhóm hộ gia đình,…); các Tổ công nghệ số cộng đồng tổ chức thực hiện sau khi Kế hoạch ban hành.

- Trong quá trình triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng, nếu có phát sinh các công việc có tính chất phối hợp, Tổ công nghệ số cộng đồng chủ động liên hệ, kêu gọi sự tham gia phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan; các trường hợp khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

đ) Thực hiện chế độ báo cáo

- Định kỳ hàng tháng, Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện công tác báo báo kết quả triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng và tình hình hoạt động của Tổ; các nội dung của báo cáo gồm có: Kết quả thực hiện trong kỳ báo cáo, đánh giá hiệu quả đạt được, những điểm nổi bật, những mô hình mới, sáng kiến hay, những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, phương án khắc phục, phương hướng, nhiệm vụ trong kỳ tiếp theo,…

- UBND cấp xã tổng hợp các báo cáo của các Tổ công nghệ số cộng đồng để báo cáo lên cấp trên, đồng thời nắm bắt thông tin, số liệu để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó, chủ động xem xét và triển khai ngay các mô hình mới, sáng kiến hay từ thực tiễn đã làm cho toàn địa phương, đồng thời chia sẻ trên các phương tiện cung cấp thông tin, mạng xã hội để cộng đồng và người dân có thể tiếp cận, áp dụng.

- Định kỳ trước ngày 18 hàng tháng, UBND cấp xã thực hiện báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng và tình hình hoạt động của Tổ  công nghệ số cộng đồng, gửi Phòng Văn hóa và Thông tin tổng hợp, báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông.

2. Công tác quản lý, điều hành Tổ công nghệ số cộng đồng

- Trên cơ sở chỉ tiêu chuyển đổi số cộng đồng giao cho huyện, UBND huyện ban hành Quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng cho UBND cấp xã để làm căn cứ tổ chức thực hiện và quản lý, điều hành hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng.

- UBND cấp xã quản lý, điều hành trực tiếp hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng; giải quyết, xử lý những vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động của tổ; tham mưu đề xuất các nội dung thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị cấp trên; tổ chức sơ kết 6 tháng và tổng kết đánh giá hàng năm về tình hình hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương.

- Tùy vào trường hợp cụ thể, việc quản lý, điều hành hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng có thể thực hiện qua các phương tiện điện tử (mạng xã hội, e-mail, hệ thống E-Office), qua điện thoại hoặc văn bản giấy.

- Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ, hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý các vướng mắc về mặt chuyên môn công nghệ thông tin cho Tổ công nghệ số cộng đồng; tạo kênh Chatbox để hỗ trợ, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện

 Theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch, tổ chức phối hợp với Tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ, tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các nền tảng số, các nhiệm vụ được giao.

2. Phòng Văn hóa và Thông tin – Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện

 - Tổ chức hướng dẫn, theo dõi giám sát và kiểm tra công tác thiết lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã thị trấn, kịp thời báo cáo UBND huyện các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai để có sự điều chỉnh để đảm bảo hiệu quả công tác triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng.

- Thường xuyên theo dõi tình hình triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng của các xã thị trấn, kết hợp tổ chức nghiên cứu, thảo luận, đánh giá các mô hình mới, sáng kiến hay (thông qua các buổi hội thảo, sinh hoạt chuyên đề), từ đó phổ biến, triển khai nhân rộng toàn huyện.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch. Tổng hợp thông tin, số liệu về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch.

- Căn cứ mục tiêu của tỉnh, mục tiêu Kế hoạch, hằng năm, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện giao chỉ tiêu chuyển đổi số cộng đồng cho UBND cấp xã triển khai thực hiện.

 - Hướng dẫn, tuyên truyền Kế hoạch này trên hệ thống thông tin cơ sở để người dân nắm rõ, biết được sự hình thành và tổ chức hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, từ đó tích cực phối hợp, tham gia triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng.

 - Chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình xây dựng, phát triển các nền tảng số, dịch vụ số liên quan đến người dân (là sản phẩm triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số) để phối hợp với các bên liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho Tổ công nghệ số cộng đồng để các địa phương triển khai thống nhất, đồng bộ.

- Chủ trì nghiên cứu, tham mưu UBND huyện, đưa nội dung triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng vào chỉ tiêu đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin hằng năm.

- Chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND huyện sửa đổi, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp.

 - Hướng dẫn chế độ báo cáo cho các Tổ công nghệ số cộng đồng, UBND cấp xã. Tổng hợp báo cáo cấp huyện.

- Báo cáo tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND huyện biểu dương, khen thưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, ứng dụng CNTT trong cuộc sống, sản xuất – kinh doanh và thực hiện các thủ tục hành chính của nhân dân, các Tổ công nghệ số cộng đồng có nhiều đóng góp cho công tác chuyển đổi số của địa phương.

- Hàng năm, tổng hợp dự toán kinh phí hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, gửi Phòng Tài chính xem xét, tham mưu UBND huyện bố trí kinh phí thực hiện.

 3. Phòng Tài chính – Kế hoạch

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu hỗ trợ kinh phí để tổ chức triển khai Kế hoạch này.

4. Các cơ quan chuyên môn thuộc huyện

 Chủ trì, hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn cho Tổ công nghệ số cộng đồng, cho người dân và phối hợp giải quyết, xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quá trình sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số do cơ quan, đơn vị mình triển khai.

5. UBND các xã, thị trấn

 - Là cơ quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước cấp trên về chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao đối với kết quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng nói riêng, công tác chuyển đổi số nói chung tại địa phương. Hằng tháng, thông báo kết quả và đánh giá tình hình hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn cho các Tổ biết phát huy hoặc rút kinh nghiệm.

- Tổ chức thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn/bon/tổ dân phố, bảo đảm cơ cấu và số lượng thành viên trong Tổ, thời gian hoàn thành chậm nhất ngày 15/9/2022; tổ chức phổ biến, quán triệt Kế hoạch này để triển khai công tác chuẩn bị cho hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, sẵn sàng tiếp nhận, triển khai chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng được giao.

- Chủ động trong việc phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động hiệu quả, hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ.

 

 

6. Huyện đoàn Đăk R’lấp

 - Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Kế hoạch này đến các đoàn viên thanh niên trên toàn huyện nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của đoàn viên thanh niên trong hoạt động chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số cộng đồng nói riêng.

- Sắp xếp, bố trí, cử đoàn viên thanh niên tham gia vào Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương; tổ chức tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, hướng dẫn, truyền tải thông tin, nhằm tăng cường năng lực hoạt động của Đoàn Thanh niên trong Tổ công nghệ số cộng đồng.

- Theo dõi, nằm bắt tình hình công tác, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên trong các Tổ công nghệ số cộng đồng, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai các hoạt động hỗ trợ để đoàn viên thanh niên yên tâm, tích cực tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng.

 7. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số, bưu chính, viễn thông

- Phối hợp UBND huyện, UBND cấp xã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, chuyển giao sử dụng cho Tổ công nghệ số cộng đồng các bước cài đặt, hướng dẫn sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số cho người dân.

- Triển khai các chính sách ưu đãi cho các xã, thị trấn, Tổ công nghệ số cộng đồng sử dụng các ứng dụng, dịch vụ của đơn vị.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, UBND các xã thị trấn báo cáo về UBND huyện (thông qua Phòng Văn hóa và Thông tin) để xem xét, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời./.


Bản in


Xem danh sách chi tiết



Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
4
0
3
9
0

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
3
7