Thông tin chỉ đạo điều hành thứ sáu, 29 03 2024 14:52

Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn huyện


Ngày 28/3/2024, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND về việc Triển khai thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn huyện

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm bảo tồn, phát huy  giá trị văn hoá truyền thống, nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; bồi dưỡng đội ngũ nghệ nhân truyền dạy, lưu giữ văn hoá truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số trong cộng đồng để tránh ngày bị mai một.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa, gắn hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ với công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

- Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ. Đồng thời, tạo ra các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc nhằm thu hút khách du lịch, tạo ưu thế cạnh tranh khi phát triển các mô hình du lịch trên địa bàn huyện.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, trong năm 2024 trên địa bàn huyện phải hiệu quả, phù hợp với tình hình của địa phương. Đồng thời, gắn với việc thực hiện phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.

- Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với các hoạt động quảng bá du lịch của huyện thông qua các lễ hội, ngày hội văn hóa, giao lưu văn hóa,… trong và ngoài huyện.

- Bảo đảm cụ thể hoá nội dung nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra tại kế hoạch, sử dụng kinh phí trong triển khai dự án đúng mục đích, đối tượng, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện của địa phương.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ TRONG NĂM 2024

1. Tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hoá phi vật thể

- Đối tượng tham gia (khoảng 180 người): cán bộ công chức văn hoá xã, thị trấn Kiến Đức; Trưởng hoặc phó 12 bon trên địa bàn huyện; 160 học viên là các nghệ nhân, người có sở thích đam mê với dệt thổ cẩm truyền thống.    

- Nội dung thực hiện: Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống (dệt các mẫu hoa văn đặc trưng của người dân tộc M’Nông).

- Số lượng: 01 lớp.

- Thời gian: tháng 4/2024.

- Địa điểm: Dự kiến mở lớp tại trung tâm huyện.

2. Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hoá phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một

- Đối tượng thụ hưởng: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có năng lực, điều kiện triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học về văn hoá dân tộc thiểu số. Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nghệ nhân người dân tộc thiểu số; đồng bào các dân tộc thiểu số. Cán bộ, công chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện.

- Nội dung thực hiện: nghiên cứu các giải pháp phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một cụ thể như:

+ Tổ chức hội nghị, hoặc Hội thảo cấp huyện để tìm ra giải pháp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương

+ Nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể (nghệ thuật trình diễn dan ca, cồng chiêng, lễ hội…)

+ Tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ( lựa chọn các hình thức: truyền dạy dân ca dân vũ; truyền dạy cồng chiêng; sử thi, lễ hội…)

+ Tổ chức trình diễn, tái hiện các hoạt động văn hóa dân gian dân ca dân vũ; truyền dạy cồng chiêng; sử thi, lễ hội…

- Thời gian thực hiện: Trong năm 2024

- Địa điểm: Trên địa bàn huyện và các xã có bon vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Hỗ trợ  hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

- Đối tượng thụ hưởng: Đội văn nghệ được thành lập tại nhà văn hoá – khu thể thao thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi có hoạt động phong trào văn nghệ sôi nổi, tích cực tại các xã khu vực I thuộc đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.

- Nội dung thực hiện:

+ Hướng dẫn tổ chức và hoạt động cho đội văn nghệ.

+ Mua sắm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ; thuê hoặc mua sắm trang thiết bị âm thanh, ánh sáng đáp ứng tối thiểu nhu cầu tập luyện, biểu diễn.

+ Dàn dựng và biểu diễn các chương trình văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hoá, xã hội, ngày lễ, ngày kỷ niệm… đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của đông đảo quần chúng nhân dân địa phương.

- Số lượng: 01 đội văn nghệ

- Dự kiến hỗ trợ: Đội văn nghệ truyền thống Bon Châu Mạ xã Hưng Bình.

- Thời gian thực hiện: Trong năm 2024.

4. Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản văn hoá truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số

- Đối tượng thụ hưởng: Bon PiNao Nhân Đạo

- Nội dung thực hiện: Bảo tồn giá trị văn hoá vật thể; Bảo tồn giá trị văn hoá phi vật thể; Hỗ trợ phát triển du lịch. Các nội dung dự kiến triển khai hỗ trợ đầu tư:

4.1  Sân vườn tổng thể:

Tổng mặt bằng khu đất xây dựng tại xã Nhân Đạo, huyện Đăk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông, toàn bộ mặt bằng kiến trúc tái hiện không gian sinh hoạt truyền thống của người M’Nông, với những nét kiến trúc đặc trưng nhất được xây dựng ở khu đất trống rộng 39.867 m2, vị trí khu đất xây dựng kết nối tốt với làng dân tộc gần kề và là một bình địa rộng hội tụ các yếu tố cảnh quan đồi núi, mặt nước ở xung quanh, đây là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp thích hợp để làm du lịch.

Cổng vào, bãi đỗ xe đặt ở phía đông bắc khu đất có vị trí hướng về phía dân cư trong làng thuận lợi cho giao thông; Khu vực nhà truyền thống được đặt ở vị trí cao của khu đất tránh không bị ngập úng vào mùa mưa.công trình nhà truyền thống được bố trí có sân rộng khoảng 754 m2, sân được tôn cao khoảng 75 cm;  phía trước sân lễ hội diện tích khoảng 1250 m2; đường kính khoảng 30 sân đất trồng cỏ là nơi tổ chức các hoạt động lễ cúng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ cầu mùa, đánh cồng chiêng. Sân trò chơi dân gian truyền thống đặc trưng của dân tộc M’Nông kết hợp nhà dịch vụ bán các nông sản, sản phẩm thủ công địa phương, xung quanh là  tổ chức các hoạt động cắm trại.

Cây xanh trồng trong công trình sử dụng nhưng cây đẹp, đặc trưng địa phương như cây Anh Đào…. trồng tập trung ở khu vực đầu vào và sân nhà truyền thống, tạo cảnh quan sân vườn đẹp.

4.2 Nhà ở truyền thống:

Được phục dựng dựa trên nếp nhà truyền thống đặc trưng với phong cách kiến trúc là nhà sàn dài truyền thống của người M’Nông tại địa phương; Đây là hạng mục công trình góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể, tái hiện môi trường đời sống đậm bản sắc dân tộc M’Nông; đồng thời giới thiệu những ngành nghề truyền thống của người M’Nông đang bị mất đi trong sự phát triển chung của xã hội; đồng thời đây là không gian sinh hoạt cộng đồng người dân có thể tập trung sinh hoạt, tổ chức các lễ hội truyền thống và là không gian tiếp đón các đoàn khách tham quan.

 Nhà truyền thống có diện tích 194,7 m2, Nhà có bước cột cái – cột cái rộng 2,02 m, bước cột cái – cột quân rộng 2,02 m.Chiều cao công trình +4.160 m. Hệ thống cột gỗ, vì kèo gỗ, vách gỗ dày 2cm, nền bê tông giả đất, hệ thống mái lợp cỏ tranh, móng công trình là móng đơn bê tông cốt thép mác 200. Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng, PCCC, chống mối… đầu tư đồng bộ.

4.3 Nhà dịch vụ:

Nhà là nơi trưng bày, quảng bá, bán các sản phẩm du lịch, đặc sản địa phương, sản phẩm thủ công truyền thống, sản phẩm OCOOP… góp phần hoàn thiện cảnh quan chung, tăng khả năng tiếp đón và phục vụ khách tham quan du lịch.

Nhà có diện tích 11,5 m2, hệ thống cột gỗ, vì kèo gỗ, vách gỗ dày 2cm, hệ thống mái lợp vật liệu composit giả cỏ tranh, móng công trình là móng đơn bê tông cốt thép mác 200; Chiều cao công trình +3.6m.

4.4 Khu vệ sinh:

Nhà vệ sinh: diện tích xây dựng khoảng 11,4 m2, tường xây gạch bê tông, trát vữa xi măng mác 75, mặt ngoài sơn màu ghi nhạt, mặt trong ốp gạch men kính, sàn lát gạch ceramic chống chơn; mái lợp cỏ tranh. Hạ tầng kỹ thuật: điện chiếu sáng, cấp nước, thoát nước… đầu tư đồng bộ.

4.5 Công trình phụ trợ:

Xây dựng hệ công trình phụ trợ bảo đảm hoạt động tiện nghi cho khu bảo tồn: Cổng kết cấu bằng cột, vì kèo bằng bê tông giả gỗ, thiết kế có mái cỏ tranh, có gắn biển tên công trình tạo điểm nhấn cho lối vào.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật: san lấp, cấp điện, cấp nước, chống sét, chống mối… cho toàn khu bảo tồn được đầu tư đồng bộ, thống nhất.

- Thời gian thực hiện: năm 2024 - 2025

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

- Kinh phí cụ thể đối với từng nhiệm vụ trong Kế hoạch triển khai dự án giao cho Phòng Văn hóa – thông tin huyện cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm dự toán chi tiết, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật trước khi triển khai thực hiện.

IV. TỔ THỰC HIỆN

1. Phòng Văn hóa và Thông tin

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

- Định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch thực hiện Dự án về UBND huyện và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ và kết quả thực hiện dự án; báo cáo, tham mưu các nội dung thuộc thẩm quyền về UBND huyện.

2. Phòng Dân tộc

- Phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin và các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, hướng dẫn các đơn vị triển khai dự án tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Ban Dân tộc tỉnh và UBND huyện.

3. Phòng Tài chính – Kế hoạch

- Căn cứ nguồn ngân sách Trung ương, Tỉnh và ngân sách địa phương năm 2024 để tham mưu, phân bổ nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch này; phối hợp hướng dẫn hồ sơ thanh quyết toán theo quy định.

- Tổng hợp cân đối, thẩm định và hướng dẫn các đơn vị triển khai dự án, hướng dẫn các thủ tục thanh quyết toán liên quan.

4. Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông:

Phối hợp triển khai thực hiện các nội dung liên quan; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền những kết quả đạt được để lan toả, nhân rộng trong toàn huyện.

5. Phòng Kinh tế - Hạ tầng

Chủ trì, phối hợp với Phòng Văn hoá và Thông tin và các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định hồ sơ xây dựng công trình, bảo đảm mục tiêu đầu tư và hiệu quả của dự án; xác định chi phí đầu tư phải đúng quy trình và phù hợp với cơ chế đặc thù của Chương trình mục tiêu quốc gia. Báo cáo UBND huyện những vấn đề phát sinh về tiến độ triển khai cũng như chất lượng dự án.

6. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn Kiến Đức

Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch phù hợp với yêu cầu, điều kện thực tế của địa phương; thực hiện rà soát công khai, dân chủ, bảo đảm đúng đối tượng cần được hỗ trợ, đầu tư; giám sát việc triển khai thực hiện Dự án trên địa bàn.


Bản in


Xem danh sách chi tiết



Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
4
0
3
9
0

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
3
7