Thông tin chỉ đạo điều hành thứ hai, 06 05 2024 16:21

Kế hoạch Phòng, chống bệnh Dại trên người giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn huyện Đắk R’lấp


Ngày 06/5/2024, UBND huyện Đắk R'lấp ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND về việc Phòng, chống bệnh Dại trên người giai đoạn 2024 – 2030 trên địa bàn huyện

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

          - Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12, ngày 21/11/2007 của Quốc Hội khóa XII, kỳ họp thứ 2;

          - Quyết định số 2151/QĐ-TTg, ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc phê duyệt “Chương trình Quốc gia phòng chống bệnh Dại giai đoạn 2022-2030”;

          - Thông tư liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT, ngày 27/05/2013 của Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người;

          - Quyết định số 481/QĐ-UBND, ngày 07/03/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành về việc phê duyệt Kế hoạch phòng chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022-2030;

          - Quyết định số 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh Dại trên người;

          - Thông tư 54/2015/TT-BYT, ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về việc hướng chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm;

          - Công văn số 189/VSDTTƯ-BTN, ngày 20/02/2024 của Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương về việc cảnh báo gia tăng tử vong do bệnh Dại và chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống năm 2024;

          - Công văn số 1220/UBND-NN, ngày 06/03/2024 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống bệnh Dại trên động vật.

          - Công văn số 609/SYT-NVYD, ngày 12/03/2024 của Sở Y tế tỉnh Đắk Nông về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh.

          - Kế hoạch số 49/KH-SYT, ngày 19/03/2024 của Sở Y tế tỉnh Đắk Nông ban hành về việc Phòng, chống bệnh Dại trên người tại tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2024 - 2030 của ngành Y tế.

          Để chủ động ngăn ngừa phòng, chống bệnh Dại. Ủy ban nhân dân huyện Đắk R’lấp xây dựng Kế hoạch Phòng, chống bệnh Dại trên người giai đoạn 2024 – 2030 trên địa bàn huyện, như sau:

          II. MỤC TIÊU

          1. Mục tiêu chung

          Khống chế bệnh Dại trên người và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.

          2. Mục tiêu cụ thể

          - 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có điểm tiêm vắc xin Dại và huyết thanh kháng Dại cho người. Đảm bảo mỗi xã, thị trấn có ít nhất 01 điểm tiêm vắc xin Dại và huyết thanh kháng Dại cho người hoạt động thường xuyên và đảm bảo đúng quy định về công tác tiêm chủng.

          - 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện truyền thông nguy cơ và  nâng cao nhận thức về bệnh Dại ở cộng đồng, trường học 01 quý/lần; 100% các xã  thuộc khu vực nguy cơ cao được truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận thức về bệnh Dại ở cộng đồng, trường học 01 tháng/lần; 95% số xã còn lại được truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận thức về bệnh Dại ở cộng đồng, trường học 01 quý/lần.

          - 100% các xã, thị trấn thuộc khu vực nguy cơ cao đều có điểm tiêm vắc xin phòng Dại hoạt động thường xuyên và đảm bảo đúng quy định về công tác tiêm chủng.

          - 90% các đối tượng phơi nhiễm với bệnh Dại được lập danh sách quản lý, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, được theo dõi, tư vấn về phòng chống bệnh Dại.

          - 100% những người có nguy cơ cao về phơi nhiễm vi rút Dại được lập danh sách quản lý, được tiêm vắc xin Dại theo quy định, được theo dõi và tư vấn về phòng chống bệnh Dại.

          - 100% số người tiêm vắc xin phòng bệnh Dại do động vật cắn được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia. 100% số xã báo cáo người tiêm vắc xin phòng bệnh Dại do động vật cắn qua hệ thống báo cáo quốc gia đầy đủ, đúng quy định.

          - 100% ổ dịch Dại từ động vật lây sang người được phát hiện sớm, điều tra và xử lý kịp thời đúng quy định.

          - Đến năm 2025 không còn xã, thị trấn có nguy cơ cao về bệnh Dại trên người; đến 2027 không còn xã, thị trấn có nguy cơ trung bình về bệnh Dại trên người.

          - Đến năm 2025, mỗi xã, thị trấn đều phải giảm 50% số người tử vong vì bệnh Dại so với giai đoạn 2017-2021 và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030.

          - Khống chế trường hợp tử vong do bệnh Dại < 1 ca.

          III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

          1. Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người 

          a) Yêu cầu chung đối với điều trị dự phòng sau phơi nhiễm: Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, phơi nhiễm, có nguy cơ nhiễm với bệnh Dại nhưng chưa được tiêm vắc xin Dại phải được điều trị dự phòng. 

          b) Tổ chức điều trị dự phòng: Trung tâm Y tế huyện cung ứng, sử dụng vắc xin phòng Dại cho người bị chó, mèo cắn, người có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh Dại; kiện toàn, mở rộng số lượng điểm tiêm vắc xin và huyết thanh kháng Dại để phục vụ công tác điều trị dự phòng, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ cao; đảm bảo mỗi xã, thị trấn có ít nhất 01 điểm tiêm có đủ cơ sở vật chất, trang  thiết bị, vật tư và nguồn nhân lực cho điều trị dự phòng; đảm bảo đủ trang thiết bị, vắc xin và huyết thanh kháng Dại đã được cấp phép sử dụng; hỗ trợ điều trị dự phòng cho các đối tượng theo quy định tại Quyết định số 2151/QĐ-TTg.

          2. Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi trong phòng, chống bệnh Dại

          a) Nội dung thông tin, tuyên truyền

          - Đặc điểm và tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, cách nhận biết người mắc bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại và biện pháp xử lý, phòng, chống bệnh Dại trên người; chủ trương, chính sách và quy định về phòng, chống bệnh Dại.

          - Nâng cao nhận thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại và các  biện pháp phòng chống bệnh Dại trên người; hướng dẫn người bị chó, mèo cắn xử  lý y tế ban đầu ngay sau khi bị chó, mèo cắn và đến các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Không sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) hoặc các loại thuốc khác không theo quy định của ngành y tế thay thế vắc xin để điều trị dự phòng bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn.

          - Các nội dung và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2023-2030 với mục tiêu quan trọng không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030.

          - Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng các qui định của pháp luật về nuôi chó, trách nhiệm của người nuôi chó và quản lý chó nuôi; tính chất nguy hiểm của bệnh Dại và các biện pháp phòng chống bệnh Dại ở người; hướng dẫn người bị chó cắn xử lý y tế ban đầu và đến các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

          - Thực hiện truyền thông học đường về phòng, chống bệnh Dại.

          - Tăng cường vận động cộng đồng cùng tham gia giám sát, phòng chống bệnh Dại trên người và động vật.

          b) Phương thức thông tin, tuyên truyền

          - Truyền thông qua các Kế hoạch phát thanh của địa phương, bảng tin công cộng tại nơi đông người, các điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân.

          - Tổ chức thông tin, tuyên truyền lưu động ở cơ sở; tuyên truyền, vận động  thông qua các báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ y tế cơ sở; xây dựng, in ấn, phát miễn phí các tài liệu tuyên truyền (tờ rơi, pa nô, sách mỏng, sách sổ tay, poster…); truyền thông học đường về phòng, chống bệnh Dại; phát động hưởng ứng và tổ chức mít tinh Ngày “Thế giới phòng chống bệnh Dại” vào ngày 28/9 hàng năm; tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn chuyên đề, các buổi tọa đàm, nói chuyện, giao lưu trực tuyến, tổ chức sự kiện…

          - Xây dựng thông điệp truyền thông về phòng, chống bệnh Dại trên người; xây dựng bài tuyên truyền phát trên hệ thống loa truyền thanh huyện, xã; truyền thông qua mạng xã hội.

          c) Thời điểm và tần suất tuyên truyền: Thông tin, tuyên truyền về các nội dung phòng, chống bệnh Dại trên người phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt vào thời điểm trước mùa nắng nóng (mùa hè), nhất là tại các khu vực đông dân cư và có nuôi nhiều chó, mèo, khu vực có nguy cơ cao về bệnh Dại, khu vực ổ dịch (có người tử vong do bệnh Dại).

          3. Điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại

          - Tăng cường giám sát phát hiện người bị phơi nhiễm với vi rút Dại, ca bệnh Dại với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cư. Tổ chức điều tra, thu thập thông tin lập danh sách người phơi nhiễm vi rút Dại để phục vụ cho công tác truyền thông và tiêm phòng vắc xin Dại.

          - Tổ chức thu thập, xét nghiệm mẫu để đánh giá lưu hành bệnh Dại, lập bản đồ dịch tễ bệnh Dại trên người để xác định khu vực có nguy cơ cao về bệnh Dại nhằm ưu tiên tập trung các nguồn lực trong công tác phòng chống bệnh Dại. Điều tra và xử lý các ổ dịch bệnh Dại trên người và động vật có sự phối hợp của cơ quan thú y và y tế, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

          - Hướng dẫn xử lý bệnh nhân tử vong do bệnh Dại, mai táng theo quy định của bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm nhóm B; phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương xác định người cần đi điều trị dự phòng, hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đi điều trị dự phòng tại các cơ sở y tế; thông báo, chia sẻ kịp thời  thông tin người bị chó, mèo cắn phải đi điều trị dự phòng tại cơ sở y tế (trong vòng 24 giờ) cho cơ quan thú y địa phương để giám sát, phòng chống bệnh Dại trên động vật; truyền thông, hướng dẫn người bị phơi nhiễm đến các cơ sở y tế để được  điều trị dự phòng; thực hiện biện pháp chống dịch khác theo quy định hiện hành.

          4. Giám sát bệnh Dại trên người

          a) Giám sát người bị phơi nhiễm đi tiêm vắc xin phòng Dại

          - Các điểm tiêm đảm bảo đủ vắc xin để người dân có thể tiếp cận với việc điều trị dự phòng bệnh Dại sau phơi nhiễm; trường hợp nhiều người bị chó, mèo cắn và có biểu hiện nghi mắc bệnh Dại phải báo ngay cho cơ quan thú y địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó, xử lý ổ dịch Dại. 

          - Tổ chức tiêm phòng bệnh Dại cho người và báo cáo trên hệ thống theo quy định của Chương trình quốc gia phòng chống bệnh Dại trên người.

          - Hàng năm, Trung tâm Y tế phối hợp với Phòng Y tế căn cứ tình hình thực tế tiêm điều trị dự phòng của địa phương, vùng có báo cáo ca tử vong về bệnh Dại để xây dựng kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí triển khai giám sát tiêm phòng vắc xin cho người bị phơi nhiễm bệnh Dại do bị động vật cắn.

          b) Giám sát bệnh nhân tử vong để phát hiện sự lưu hành của vi rút Dại

          - Cán bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức điều tra trong vòng 24h khi nhận được thông tin, xác minh, lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của bệnh Dại gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để gửi đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để chẩn đoán xác định và tìm sự lưu hành của chủng vi rút Dại.

          - Tại khu vực có bệnh nhân tử vong do Dại, phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khử khuẩn và phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y điều tra xử lý ổ dịch Dại trên đàn chó, mèo tại địa phương (nếu có).

          c) Nâng cao năng lực giám sát bệnh Dại trên người: Tập huấn các kỹ năng tư vấn, chỉ định và tiêm vắc xin Dại cho cán bộ Y tế ở các điểm tiêm vắc xin phòng Dại cho người; kỹ thuật bảo quản và vận chuyển vắc xin, theo dõi sau tiêm; kỹ thuật thu thập, bảo quản và vận chuyển mẫu của người nghi mắc bệnh Dại, bảo đảm an toàn cho người lấy mẫu và chất lượng của mẫu; kỹ năng điều tra, giám sát, chẩn đoán xác định bệnh Dại, phân tích tình hình dịch tễ, xác định vùng, nhóm người có nguy cơ lây truyền bệnh Dại, tiêm phòng vắc xin Dại cho người có nguy cơ cao, xử trí vết cắn, điều trị dự phòng cho người bị chó, mèo cắn, xử lý ổ dịch; phối hợp liên ngành thú y trong việc giám sát, lấy mẫu bệnh Dại trên động vật dựa vào người bị cắn đi tiêm phòng; kỹ năng truyền thông nguy cơ, cách hạn chế bị động vật cắn, truyền thông cộng đồng trước, trong và sau ổ dịch bệnh Dại.

          5. Hoạt động bồi dưỡng, tập huấn về phòng chống bệnh Dại: Tổ chức tập huấn cho cán bộ Y tế để nâng cao kỹ năng giám sát, điều tra ổ dịch, thu thập thông tin dịch tễ về bệnh Dại trên người theo Quyết định số 1622/QĐ BYT.

          6. Công tác phối hợp trong phòng chống bệnh Dại

          - Thực hiện tốt phối hợp liên ngành, đặc biệt giữa ngành Y tế và ngành Nông nghiệp, thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giám sát các yếu tố nguy cơ trên động vật nhằm chủ động phòng chống bệnh Dại trên người.

          - Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo để thực hiện truyền thông phòng chống bệnh Dại cho học sinh (đối tượng có nhiều nguy cơ mắc do bị chó, mèo cắn).

          - Thường xuyên trao đổi thông tin giữa các đơn vị (có thể định kỳ hoặc đột xuất), đặc biệt khi nhận được các thông tin và vấn đề bất thường tại các địa phương.

          7. Kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bệnh Dại trên địa bàn

          - Thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác phòng chống bệnh Dại của các đơn vị trực thuộc. Xây dựng kế hoạch giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Dại trên người đến các xã, thị trấn.

          8. Chế độ báo cáo và sơ kết, tổng kết

          - Định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo về UBND huyện kết quả công tác phòng chống bệnh Dại trên người; kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

          - Báo cáo tuyến trên theo quy định về tình hình bệnh Dại và các hoạt động phòng chống đã triển khai. Thực hiện nghiêm túc Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; Quyết định số 2151/QĐ-TTg.

          IV. CƠ CHẾ TÀI CHÍNH VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

          1. Ngân sách huyện: Đảm bảo cho công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn xã, thị trấn (trừ kinh phí mua sắm, cung ứng vắc xin Dại); căn cứ kế hoạch này, UBND các xã, thị trấn phê duyệt kế hoạch phòng chống bệnh Dại trên người và đảm bảo kinh phí tùy theo khả năng diễn biến dịch bệnh tại địa phương. 

          2. Kinh phí do người dân tự đảm bảo: Chi phí tiêm vắc xin Dại cho người bị phơi nhiễm không thuộc đối tượng miễn phí theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg.

          V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

          1. Trung tâm Y tế huyện

          - Tổ chức triển thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp kỹ thuật đưa công tác phòng chống bệnh Dại là nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn 2023 - 2030 nhằm khống chế bệnh Dại trên người và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030 theo mục tiêu đã đề ra; phối hợp, hướng dẫn các địa phương trong xây dựng kế hoạch để chủ động phòng chống bệnh Dại trên người. Hằng năm, chủ động rà soát, xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên người để triển khai thực hiện.

          - Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát kết hợp hướng dẫn công tác phòng chống bệnh Dại trên người và động vật, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện các biện pháp phòng chống và kiểm soát bệnh Dại có hiệu quả.

          - Xây dựng nhu cầu sử dụng vắc xin hằng năm gửi Sở Y tế để chủ động nguồn cung ứng vắc xin, huyết thanh kháng Dại phục vụ Nhân dân. Duy trì và tăng cường các điểm tiêm vắc xin phòng Dại trên địa bàn huyện.

          - Tham mưu cấp có thẩm quyền tổ chức và hỗ trợ chi phí điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bệnh Dại cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em dưới 6 tuổi trong vùng dịch, người có công với cách mạng, cán bộ thú y và y tế nguy cơ cao, những người tham gia phòng, chống dịch đảm bảo theo đúng quy định; đồng thời nghiên cứu tham mưu quy định các đối tượng đặc biệt khác được hỗ trợ điều trị dự phòng đảm bảo phù hợp với tình hình bệnh Dại trên người trên địa bàn, điều kiện thực tiễn của địa phương và các quy định, hướng dẫn của Trung ương (nếu có).

          - Chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp việc thực hiện; tổng hợp tình hình, báo cáo UBND huyện và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

          2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

-  Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật  sang người (trong đó có bệnh Dại) theo quy định tại Thông tư liên tịch số  16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ  trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn phối hợp phòng  chống bệnh truyền lây từ động vật sang người; đồng thời phối hợp chính quyền địa  phương giám sát, triển khai có hiệu quả công tác tiêm phòng vắc xin dại cho đàn  chó, mèo theo Kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt.

          3. Phòng Tài chính – Kế hoạch

-  Hàng năm, trên cơ sở đề xuất của Trung tâm Y tế huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện xem xét, bố trí kinh phí triển khai Kế hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách huyện và theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

          4. Phòng Giáo dục và Đào tạo

-  Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Dại trong nhà trường. Giám sát, quản lý sức khỏe của học sinh, thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có học sinh mắc bệnh. Đưa nội dung giáo dục sức khỏe và kiến thức phòng bệnh Dại, xử lý vết thương khi bị động vật cắn vào các buổi học ngoại khóa, buổi nói chuyện về bệnh Dại và các biện pháp phòng chống bệnh Dại trong nhà trường.

          5. Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện

- Tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh Dại trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm truyền tải thông tin đến người dân về tăng cường trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Dại của người dân đối với cộng đồng trên địa bàn huyện theo tài liệu của Trung tâm Y tế huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

          6. UBND các xã, thị trấn

          - Chỉ đạo ban nghành và đơn vị có liên quan đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng chống bệnh Dại trên người và động vật. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Dại tại địa bàn quản lý; xử lý nghiêm các cán bộ, nhân viên thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

- Hàng năm tổ chức xây dựng, bổ sung và phê duyệt kế hoạch phòng chống bệnh Dại của địa phương. Triển khai các hoạt động cụ thể, phù hợp với thực tế của địa phương, nhằm đạt kết quả cao nhất trong công tác phòng chống bệnh Dại trên địa bàn; đưa kết quả công tác phòng chống bệnh Dại làm tiêu chí xét thi đua, khen thưởng của địa phương như: Công nhận gia đình văn hóa, bình xét cán bộ, Đảng viên hoàn thành nhiệm vụ công tác năm…

          - Tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại;  các biện pháp phòng chống bệnh Dại.

          - Hướng dẫn người bị động vật cắn đến ngay ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.


Bản in


Xem danh sách chi tiết



Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
4
0
3
9
0

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
3
7