I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Mục đích
- Nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật về đảm bảo chất lượng giống cây trồng.
- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác quản lý chất lượng giống cây trồng trên địa bàn huyện.
2. Yêu cầu
Kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng được cấp phép đăng ký kinh doanh; kịp thời xử lý đối với các cơ sở kinh doanh giống cây trồng không đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật.
II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG
1. Phạm vi
- Kiểm tra về các điều kiện quy định trong kinh doanh giống cây trồng.
- Kiểm tra về chất lượng, nguồn gốc giống cây trồng của các cơ sở kinh doanh giống cây trồng.
2. Đối tượng
- Các cơ sở kinh doanh giống cây trồng (có giấy phép và chưa có giấy phép đăng ký sản xuất kinh doanh) trên địa bàn huyện.
- Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến kinh doanh giống cây trồng.
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Công tác tuyên truyền, vận động
- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng giống cây trồng.
- Thường xuyên cập nhật chuyển giao văn bản cần thiết nhằm nâng cao trách nhiệm thực hiện đúng quy định của các cơ sở kinh doanh.
2. Công tác đào tạo tập huấn chuyên ngành
Tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh hướng dẫn cho các cán bộ công chức cơ quan kiểm tra, nhằm thực hiện tốt công tác chuyên ngành quản lý chất lượng giống cây trồng.
3. Công tác kiểm tra, đánh giá
3.1. Cơ quan kiểm tra cấp huyện
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, chịu trách nhiệm phối hợp với ngành chuyên môn cấp huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng do cấp huyện, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đóng trên địa bàn.
3.2. Các hình thức kiểm tra
Có 03 hình thức kiểm tra gồm: Kiểm tra, đánh giá đối với cơ sở mới phát sinh; kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất đối với cơ sở đã hoạt động kinh doanh.
3.3. Nội dung, phương pháp kiểm tra, đánh giá
3.3.1. Nội dung kiểm tra
- Kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng;
- Kiểm tra nguồn nhân lực;
- Kiểm tra việc niêm yết giá giống cây trồng;
- Kiểm tra về tiêu chuẩn, quy chuẩn và ghi nhãn hàng hóa đang áp dụng.
3.3.2. Phương pháp kiểm tra
Bao gồm: Kiểm tra thực tế (khu vực để giống cây trồng), kiểm tra hồ sơ, tài liệu phỏng vấn khi cần.
IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
1. Công tác triển khai
- Xây dựng Kế hoạch và thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành về kinh doanh giống cây trồng để chủ động và thuận lợi trong việc triển khai thực hiện.
- Tổ chức cuộc họp triển khai kế hoạch.
2. Tiến hành kiểm tra
- Đoàn tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn toàn huyện.
- Thời gian thực hiện kiểm tra: Từ tháng 4 đến cuối tháng 9 năm 2024.
- Kiểm tra đột xuất đối với cơ sở: Tùy vào điều kiện thực tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm thông báo cụ thể cho các thành viên tiến hành thực hiện nhiệm vụ.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện công tác kiểm tra: Giao Phòng Tài Chính - Kế hoạch chủ động bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch này (có bảng dự toán kinh phí kèm theo).
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo tổ chức kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại địa phương, thực hiện tốt Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, ngày 03/01/2020 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
- Trên cơ sở nội dung kế hoạch triển khai kiểm tra cơ sở kinh doanh giống cây trồng của tỉnh (nếu có), căn cứ tình hình thực tế địa phương tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện.
- Đoàn Kiểm tra cấp huyện có trách nhiệm phối hợp tốt với ngành chuyên môn tỉnh và UBND xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.
- Kịp thời tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất kết quả kiểm tra về Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân huyện để có hướng chỉ đạo thực hiện.
2. Công an huyện, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, Chi cục thuế liên huyện Đắk R’lấp - Tuy Đức, Đội quản lý thị trường số 1.
Tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tham gia đoàn theo Quyết định và phối hợp tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên phạm vi đơn vị quản lý.
3. Phòng Tài chính - Kế hoạch
Tham mưu cấp kinh phí và hướng dẫn Phòng Nông nghiệp và PTNT quyết toán theo quy định.
4. Ủy ban nhân dân xã, thị trấn
Phân công công chức chuyên môn phối hợp với Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra các cửa hàng sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn.
Yêu cầu các các đơn vị liên quan và Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn phối hợp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung nêu trên. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các đơn vị kịp thời báo cáo gửi về Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tổng hợp, đề xuất trình Uỷ ban nhân dân huyện xem xét, giải quyết./.
Bản in