Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đắk R’lấp đã tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, lồng ghép với việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội.
Đến ngày 31/10/2023, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Đắk R’lấp đã hoàn thành công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 tại 11/11 xã, thị trấn; Thành viên Ban đại diện đã kiểm tra được 21 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV), 105 khách hàng vay vốn. Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ là Thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện các đồng chí Chủ tịch UBND các xã, Thị trấn đã thực hiện kiểm tra được 33 thôn, bon, tổ dân phố, 51 Tổ TK&VV và 255 khách hàng vay vốn.
Nội dung kiểm tra, giám sát của Thành viên Ban đại diện HĐQT huyện năm 2023 tập trung đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của cấp trên, thực hiện Chị thị số 18-CT/HU ngày 11/7/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy; vai trò, trách nhiệm của UBND các xã, Thị trấn trong việc chỉ đạo triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn, việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, qua kiểm tra, nắm bắt nhu cầu nguyện vọng, ý kiến đề xuất, kiến nghị của người dân; những khó khăn vướng mắc trong hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng CSXH. Kịp thời phát hiện những tồn tại, sai sót, có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành chức năng để xử lý, chỉnh sửa, bổ sung chính sách phù hợp với thực tế tại địa phương.
Mặt khác, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã kiểm tra toàn diện 4 tổ chức chính trị xã hội huyện, 11 điểm giao dịch xã, 16 hồ sơ vay vốn nhà ở xã hội với số tiền gần 7 tỷ đồng; 6 hồ sơ cho vay cơ sở mầm non với số tiền trên 800 triệu đồng, kiểm tra thực hiện ủy thác của 43 hội đoàn thể cấp xã; kiểm tra việc lưu trữ hồ sơ sổ sách của 31 tổ TK&VV, đối chiếu trực tiếp tại 39 tổ với 148 hộ vay vốn; 22 hồ sơ vay vốn, 868 món, với dư nợ gần 38 tỷ đồng, 5 khách hàng bị rủi ro khách quan được cấp có thẩm quyền xử lý năm 2022. Đồng thời, đơn vị được Ngân hàng Nhà nước tỉnh kiểm tra hồ sơ 25 tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV), với tổng dư nợ được kiểm tra là gần 85 tỷ đồng đồng và đối chiếu, kiểm tra sử dụng vốn vay của 66 khách hàng vay vốn tại 7 tổ TK&VV trên địa bàn. Sau kiểm tra, các đơn vị kiểm tra đều có văn bản chấn chỉnh các tồn tại, sai sót để khắc phục, sửa sai sau kiểm tra.
Các Tổ chức Hội, đoàn thể Huyện và xã cũng tăng cường kiểm tra, giám sát theo nội dung nhận ủy thác, đến tháng 10/2023, các tổ chức Hội, đoàn thể từ huyện đến xã đã cơ bản hoàn thành kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 theo hướng dẫn của Tổng Giám đốc NHCSXH tại văn bản 10566/NHCS-TDNN, ngày 29/10/2022 gồm kiểm tra hoạt động Tổ TK&VV, việc sử dụng vốn của hộ vay, việc thực hiện các phần việc được ủy thác của tổ chức Hội các xã, Thị trấn. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị đã tích cực triển khai nhiệm vụ, kế hoạch được giao, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Tích cực triển khai kế hoạch kiểm tra kiểm soát nội bộ năm 2023, chỉnh sửa, khắc phục tồn tại, sai sót phát hiện qua công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ và kết luận, kiến nghị của các Đoàn kiểm tra. Hoạt động của các tổ TK&VV tiếp tục được duy trì nền nếp ổn định, đến nay Huyện có 205 Tổ TK&VV với 9.167 Tổ viên còn dư nợ là trên 516 tỷ đồng, bình quân một Tổ quản lý 45 hộ vay vốn; Dư nợ bình quân một Tổ trên 2,5 tỷ đồng /Tổ, tăng 240 triệu đồng/Tổ so với năm 2022; Dư nợ bình quân hộ gia đình là trên 56 triệu đồng/khách hàng, tăng 4,4 triệu đồng/khách hàng so với năm 2022.
Từ thực tế hoạt động hiệu quả thông qua các đợt kiểm tra, giám sát, chất lượng hoạt động tín dụng tại xã, thị trấn trong những năm qua luôn đạt kết quả cao. Qua đánh giá đến nay có 199 Tổ xếp loại tốt, chiếm tỷ lệ 97,07%; 6 tổ xếp loại khá chiếm tỷ lệ 2,93%, không có Tổ trung bình và yếu kém; có 187 Tổ TK&VV không có nợ quá hạn, chiếm 91,22% tổng số Tổ. Nhờ đó, nguồn vốn các chương trình tín dụng được triển khai nhanh chóng, đảm bảo kế hoạch đề ra, các đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn đều được giải quyết kịp thời. Đến tháng 10/2023, tổng dư nợ uỷ thác cho vay qua hội, đoàn thể đạt gần 516 tỷ đồng, tăng trên 51,8 tỷ đồng (11,16%) so với đầu năm, chiếm 99,86% tổng dư nợ, với 9.167 khách hàng vay vốn. Bên cạnh đó, các Tổ chức Hội, đoàn thể tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động Hội viên, Tổ viên Tổ TK&VV thực hành tiết kiệm để tạo lập vốn tự có dành cho việc trả nợ, trả lãi khi đến hạn với 8.575 Tổ viên thực hành tiết kiệm hàng tháng, chiếm 93,54% số tổ viên. Đến cuối tháng 10/2023, số dư tiết kiệm của Tổ viên Tổ TK&VV do các Tổ chức Hội, đoàn thể tuyên truyền vận động trên 26,4 tỷ đồng tăng 7.215 triệu đồng so với đầu năm.
Nhằm góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng CSXH trên địa bàn huyện, trong thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chủ động, tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phối hợp cùng các tổ chức Hội, đoàn thể nhân ủy thác, các Tổ TK&VV giám sát thường xuyên quá trình sử dụng vốn của hộ vay. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn cho hoạt động giao dịch xã; tích cực đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, có biện pháp hữu hiệu để thu hồi nợ quá hạn lâu ngày; phấn đấu các Tổ chức Hội, đoàn thể đều giảm được nợ quá hạn so với năm trước, giảm số tổ trung bình./.
Mai Nam
Bản in