Tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Đồng Tháp, năm 2016, Cô giáo Văn Thị Yến Nhi về công tác tại một trường tiểu học ở thành phố Gia Nghĩa. Đến năm 2021, cô Nhi về công tác tại trường tiểu học Bùi Thị Xuân, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp. 8 năm giảng dạy tại 2 ngôi trường, cô được Ban giám hiệu tin tưởng giao nhiệm vụ làm công tác chủ nhiệm lớp 5. Theo cô Nhi, làm giáo viên chủ nhiệm không quá khó nhưng cũng không dễ dàng; bởi đặc điểm học sinh ở mỗi cấp học đều có những điểm khác biệt cần lưu ý. Vấn đề đặt ra là giáo viên chủ nhiệm cần linh hoạt, gần gũi, tận tình và phải hiểu rõ tính cách, tâm lý của từng học sinh của mình. Do đó, để làm tốt vai trò giáo viên chủ nhiệm, đòi hỏi người giáo viên phải có kinh nghiệm, nhiệt huyết, hết lòng với học sinh.
Trong công tác tổ chức của mỗi trường học thường phân ra nhiều khối lớp với nhiều lớp học khác nhau. Mỗi lớp học, Ban Giám hiệu phân công một giáo viên chủ nhiệm. Bên cạnh công tác giảng dạy, nhiệm vụ chính của giáo viên chủ nhiệm là nghiên cứu, nắm vững tình hình, xây dựng tổ chức lớp học; tổ chức các hoạt động học tập, thể thao, văn nghệ; phối hợp với giáo viên bộ môn nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh. Với bậc tiểu học giáo viên chủ nhiệm phải chăm lo các em từ chuyện học, giao tiếp, giáo dục đạo đức, nhân cách đến cả chuyện chơi. Việc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi hai năm một lần cũng là dịp để các giáo viên chủ nhiệm được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, có nhiều kỹ năng, chuyên môn trong công tác chủ nhiệm của mình.
Với mỗi cấp học khác nhau, giáo viên chủ nhiệm sẽ có những cách quản lý, ứng xử cũng như hướng dẫn cho học trò mình một cách tương ứng góp phần định hình tính cách, giáo dục đạo đức học sinh. Để tạo động lực cho GVCN, ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện giảm 4 tiết dạy ở bậc trung học và 3 tiết dạy ở bậc tiểu học cho GVCN.
Có thể nói, những ai đã chọn nghề giáo thì đã có trong mình lòng nhiệt huyết yêu nghề, yêu học trò và bản thân GVCN phải có cái tâm, lòng kiên trì, sự nhẫn nại và tự học hỏi kinh nghiệm trong thực hiện vai trò của mình. Bên cạnh đó, phải cầu thị, lắng nghe sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu hay ý kiến đóng góp của giáo viên bộ môn để nắm bắt tình hình của lớp, của học sinh. Trong mối quan hệ với phụ huynh, GVCN phải niềm nở, giao tiếp có chuẩn mực, lắng nghe, nắm bắt gia cảnh của từng HS để có những biện pháp chia sẻ, hướng dẫn kịp thời. Công tác chủ nhiệm rất quan trọng trong quá trình hoạt động giáo dục bởi chính giáo viên, đặc biệt là GVCN sẽ có trách nhiệm uốn nắn, dạy dỗ, tạo tiền đề quan trọng cho các em ở những bậc học kế tiếp. Chính vì vậy, đòi hỏi GVCN phải thật sự thấu đáo, ứng xử khéo léo với học sinh của mình./.
Lệ Sương
Bản in