Thông tin chỉ đạo điều hành thứ sáu, 29 09 2023 09:40

Công văn chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật


Ngày 28/9/2023, UBND huyện ban hành Công văn số 1286/UBND-NN về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật

Thực hiện Công văn số 5609/UBND-KGVX ngày 22/9/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại.

 Bệnh Dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút Dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Cho đến nay bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh Dại gần như tử vong 100%.

Tại Đắk Nông, tính đến ngày 18/9/2023, toàn tỉnh ghi nhận 06 trường hợp phơi nhiễm với bệnh Dại, trong đó có 02 trường hợp tử vong; số trường hợp nguy cơ cáo phơi nhiễm virus Dại là 49 trường hợp.

Để chủ động ngăn ngừa bệnh Dại lây truyền từ động vật sang người, khống chế tiến tới loại trừ bệnh Dại, qua đó bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong do bệnh Dại gây ra. UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn và thủ trưởng các đơn vị liên quan phối hợp chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

1. UBND các xã, thị trấn

- Tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Thú y, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt, tổ chức triển khai có hiệu quả, đạt được các mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 -2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại;

- Tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức (tờ rơi, hội nghị tập huấn, trên hệ thống loa phát thanh…) trong cộng đồng dân cư, các trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; biện pháp phòng, chống bệnh Dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng chống bệnh Dại; tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo với cộng đồng và “ Cộng đồng chung tay phòng chống bệnh Dại”; khuyến khích người dân tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền địa phương, cán bộ thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh Dại để xử lý kịp thời; vận động, hướng dẫn người bị chó cắn, mèo cào… đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý vết thương, điều trị dự phòng kịp thời.

- UBND các xã, thị trấn chỉ đạo Công chức Địa chính - Nông nghiệp - Môi trường phối hợp với cán bộ thú y xã tới các thôn, bon, tổ dân phố lập sổ theo dõi; thực hiện rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó, mèo; số chó, mèo trong từng hộ gia đình để quản lý, đồng thời hỗ trợ cho công tác tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho đàn chó, mèo, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 75 % so với tổng đàn theo quy định.

- Áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ vật nuôi vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin Dại trên địa bàn quản lý theo các quy định pháp luật hiện hành

2. Phòng Nông nghiệp &PTNT

- Tham mưu UBND huyện chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại. Rà soát, đánh giá thực trạng công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn, xác định rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế; xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với lãnh đạo, cán bộ của đơn vị thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không hoàn thành nhiệm vụ.

- Tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn; đề xuất các chương trình, kế hoạch xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại, nhất là tại các khu du lịch, khu đô thị, khu đông dân cư theo quy định.

- Phối hợp với các phòng, ban và các đơn vị có liên quan kịp thời chia sẻ thông tin về bệnh Dại, tăng cường công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành về đảm bảo an toàn bệnh Dại, hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của Pháp luật.

- Phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông tăng cường tuyên truyền sâu rộng các quy định của Pháp luật về phòng, chống bệnh Dại; biện pháp phòng, chống dịch bệnh bắt buộc theo quy định, nhất là tiêm phòng vắc xin và quản lý đàn chó, mèo; rà soát, xây dựng và cung cấp các tài liệu truyền thông phục vụ công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người dân và hiệu quả trong công tác phòng, chống bệnh Dại.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại. Tổng hợp báo cáo kịp thời, đầy đủ chính xác số liệu trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS), báo cáo UBND huyện theo quy định

3. Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện

 - Tiếp nhận và cung ứng vắc xin Dại để tiêm phòng cho đàn chó, mèo và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bệnh Dại cho chó, mèo ở các xã, thị trấn; Cấp giấy chứng nhận tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo theo quy định; Phối hợp với cán bộ y tế, thú y viên thực hiện điều tra, giám sát, theo dõi tổng hợp các trường hợp người bị chó cắn; chó nghi nhiễm bệnh Dại.

- Phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền vận động người dân tham gia tiêm vắc xin dại chó, mèo bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 75% so với tổng đàn, đối với các địa phương phát hiện chó, mèo mắc bệnh Dại, yêu cầu tiêm phòng 100% chó, mèo thuộc diện tiêm phòng.

- Phối hợp Chi cục Phát triển nông nghiệp tăng cường điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm; kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các ổ bệnh Dại, không để tái phát, lây lan diện rộng.

- Định kỳ hàng tháng báo cáo UBND huyện về tiến độ tiêm phòng vắc xin Dại và tình hình bệnh Dại trên địa bàn huyện.

4. Trung tâm Y tế huyện

- Phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT tăng cường công tác giám sát bệnh Dại trên người và động vật, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện các biện pháp phòng chống và kiểm soát bệnh Dại có hiệu quả; chia sẻ thông tin về số người phải đi tiêm vắc xin phòng bệnh Dại để chủ động giám sát tình hình bệnh Dại trong cộng đồng.

- Chủ trì tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh Dại trên người. đảm bảo việc tiếp cận vắc xin, huyết thanh kháng Dại cho người bị phơi nhiễm. Chỉ đạo Trạm Y tế các xã, thị trấn tổ chức giảm sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp phơi nhiễm Dại tại cộng đồng để tư vấn, tuyên truyền, vận động đến cơ sở y tế khám và tiêm vắc xin phòng Dại sớm.

- Phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệpđảm bảo triển khai tốt các nội dung được quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27/5/2013 của liên Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây từ động vật sang người.

5. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện

Chủ trì phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Y tế, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch truyền thông học đường về phòng, chống bệnh Dại.

6. Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện

Phối hợp với Trung tâm Y tế, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện xây dựng các trang tin tuyên truyền về bệnh Dại, phổ biến về công tác phòng, chống bệnh Dại; dấu hiệu nhận biết chó mắc bệnh Dại và các biện pháp xử lý khi bị chó dại cắn; tuyên truyền kịp thời, chính xác về nguy cơ tác hại của bệnh Dại; các quy định của Pháp luật về công tác phòng, chống bệnh Dại;

7. Các phòng, ban, ngành, đoàn thể có liên quan trên địa bàn huyện

Theo chức năng nhiệm vụ được giao, tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn và các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; tăng cường tuyên truyền để các thành viên, hội viên tích cực tham gia công tác tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó tại cơ sở để phòng chống nguy cơ phát sinh bệnh Dại trong cộng đồng.

 

 


Bản in


Xem danh sách chi tiết



Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
4
0
3
9
0

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
3
7