Thông tin chỉ đạo điều hành thứ năm, 25 04 2024 14:44

Chị thị của UBND tỉnh về đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024


Ngày 23/4/2024, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.

Triển khai thực hiện Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; đồng thời, nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực đầu tư công, thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công và đảm bảo hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 (bao gồm vốn kéo dài năm 2023 sang năm 2024); Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

          I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

          1. Quan điểm

          1.1. Quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức của cá cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội; trong việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định khác có liên quan.

          1.2. Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, trọng tâm của năm 2024 cần phải tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo nhanh, đồng bộ, đúng quy định và có hiệu quả, nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

1.3. Tổ chức triển khai quyết liệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 7696/UBND-KT ngày 14/12/2023 về việc thực hiện và tăng cường quản lý kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2024; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 05/02/2024 về việc tăng cường thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2024 và các văn bản có liên quan; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 23/01/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Thông báo số 509/TB-VPUBND ngày 15/4/2024 của Văn phòng UBND tỉnh thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp về tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu[1]

- Đến 30/6/2024, giải ngân đạt ít nhất 40% kế hoạch vốn được giao.

- Đến 30/9/2024, giải ngân đạt ít nhất 60% kế hoạch vốn được giao.

- Đến 31/12/2024, giải ngân đạt ít nhất 90% kế hoạch vốn được giao (đối với vốn năm 2023 chuyển sang năm 2024 phải đạt 100%).

- Đến 31/01/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

          1. Yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư:

          - Tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để quyết liệt đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, các dự án liên vùng, có tác động lan tỏa. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

          - Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát từng dự án cụ thể; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô, tiến độ từng dự án theo đúng chủ trương đã được phê duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu tư của từng dự án; tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, làm trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.

          - Tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát hiện trường, phối hợp với các địa phương, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất là công tác giải phóng mặt bằng; thường xuyên đôn đốc nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, bổ sung nhân lực, máy móc thiết bị trên công trường, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để tranh thủ mùa khô đẩy nhanh tiến độ các dự án, tránh tình trạng “đầu năm thông thả, cuối năm vất vả”; đồng thời yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng chi tiết tiến độ thực hiện dự án và cam kết về tiến độ đối với các hạng mục công trình làm cơ sở để kiểm tra, giám sát. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm về tiến độ, chất lượng công trình, chậm thực hiện thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành, vi phạm hợp đồng ký kết, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; trường hợp cần thiết chấm dứt hợp đồng và thay thế ngay các nhà thầu khác. Tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án đã quá thời gian bố trí vốn theo quy định.

          - Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, chủ động hướng dẫn, xử lý kịp thời những nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, không đợi chỉ đạo của UBND tỉnh. Nghiên cứu và triển khai có hiệu quả Quy chế làm việc của UBND tỉnh Đắk Nông ban hành kèm theo Quyết định số 06/2024/QĐ-UBND ngày 04/3/2024 của UBND tỉnh.

          - Căn cứ mốc thời gian giải ngân đã được UBND tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 7696/UBND-KT ngày 14/12/2023, khẩn trương lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng đến từng dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công năm 2024 (bao gồm việc phân công cụ thể lãnh đạo của từng đơn vị, chủ đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện dự án), báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư), hoàn thành trong tháng 4/2024.

          - Đối với “Chương trình Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến nay chưa hoàn thành thủ tục giao vốn theo quy định: Yêu cầu Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 7993/UBND-KT ngày 27/12/2023, số 1594/UBND-KT ngày 21/3/2024; Sở Xây dựng khẩn trương thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt dự án; kịp thời hướng dẫn Sở Y tế hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm định dự án.

          2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư:

          - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc giải ngân vốn đầu tư công; chủ động tham mưu tổ chức hội nghị giao ban, hội nghị chuyên đề về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

          - Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Đắk Nông và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức đánh giá kết quả giải ngân định kỳ hàng tháng, hàng quý, báo cáo UBND tỉnh tại phiên họp thường kỳ; kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, kiểm điểm các chủ đầu tư, đơn vị, địa phương thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý dự án yếu, tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với mức trung bình của cả tỉnh hoặc vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

          - Tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về tiến độ giải ngân chi tiết theo từng tháng của từng dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công năm 2024 (bao gồm việc phân công cụ thể lãnh đạo của từng đơn vị, chủ đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện dự án), hoàn thành trước ngày 10/5/2024. Trường hợp các dự án không giải ngân đúng tiến độ đề ra, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn sang cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành dự án, theo các đợt như sau: trước ngày 10/6/2024; trước ngày 10/9/2024; trước ngày 20/10/2024.

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xem xét, cắt giảm một số nhiệm vụ chi chưa cần thiết để bổ sung cho Kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2024 nhằm bố trí vốn cho các dự án đã quá thời gian bố trí theo quy định, sớm hoàn thành đảm bảo mục tiêu dự án đã đề ra.

3. Giao Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc, đẩy mạnh các nguồn thu. Kịp thời nhập vốn trên hệ thống Tabmis cho các dự án, nhất là các dự án đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, xổ số kiến thiết.

- Tham mưu UBND tỉnh xem xét, cắt giảm một số nhiệm vụ chi chưa cần thiết để bổ sung cho Kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2024.

- Tăng cường đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn thực hiện quyết toán dự án hoàn thành, quyết toán vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án còn tồn đọng, chậm lập báo cáo quyết toán.

4. Các cơ quan chủ trì các Chương trình mục tiêu quốc gia (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc):

- Chủ động cập nhật các văn bản hướng dẫn của các bộ, cơ quan Trung ương, kịp thời tham mưu triển khai, hướng dẫn đến các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện theo đúng quy định pháp luật; hướng dẫn nghiệp vụ hoặc chủ động giải đáp các vấn đề khó khăn, vướng mắc của đơn vị, địa phương và chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện.

- Tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát và đôn đốc các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nội dung, Tiểu dự án, Dự án của từng Chương trình mục tiêu quốc gia; trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo theo quy định.

5. Giao các sở, đơn vị quản lý chuyên ngành về xây dựng:

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chất lượng thẩm định, thẩm tra các dự án đầu tư, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế, dự toán công trình.

- Thực hiện rút ngắn, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong thẩm định, phê duyệt dự án đầy tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế dự toán công trình,… theo quy định, lộ trình của ngành, lĩnh vực.

6. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Thường xuyên kiểm tra và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án.

- Hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến quy trình cấp phép mỏ, khai thác vật liệu xây dựng như đá, cát, đất, sỏi,… cho dự án đầu tư công, đảm bảo nhanh, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố giải quyết vướng mắc trong định giá đất, thu tiền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công; xây dựng kế hoạch chi tiết các khu đất có điều kiện đấu giá, thời gian thực hiện, đẩy nhanh quá trình thực hiện nhằm tăng nguồn thu sử dụng đất đảm bảo nguồn thanh toán cho các công trình, dự án theo Kế hoạch vốn đã được bố trí.

7. Giao Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý vật liệu xây dựng; thực hiện công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá vật liệu xây dựng sát với thực tế và đảm bảo thời gian theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng quản lý công trình xây dựng, hiệu quả trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn tỉnh.

8. Kho bạc Nhà nước Đắk Nông tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất theo quy định để các đơn vị, chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường công tác đôn đốc thu hồi tạm ứng; kiên quyết xử lý vi phạm hành chính các chủ đầu tư vi phạm thời hạn thanh toán tạm ứng theo quy định.

9. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan trong quá trình thẩm định hồ sơ đánh giá, xếp loại năm 2024 phải gắn nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

10. UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa: Đẩy nhanh, thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng dự án đồng bộ với tiến độ thi công, đồng thời gắn trách nhiệm của từng lãnh đạo phụ trách, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh; không để xảy ra tình trạng kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, dẫn đến tăng chi phí đề bù giải phóng mặt bằng, tăng chi phí thực hiện dự án,… làm tăng tổng mức đầu tư.

11. Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền./.

 

[1] Theo dự báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 71/BC-SKH ngày 10/4/2024.


Bản in


Xem danh sách chi tiết



Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
4
0
3
9
0

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
3
7