Kinh tế thứ ba, 06 08 2019 14:41

Cần đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi trong nông nghiệp


Liên kết trong sản xuất nông nghiệp góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, nâng cao giá trị canh tác, hướng đến sản xuất bền vững.

Dù vậy, hiện nay việc liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, nhất là đối với những loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu.

Một số hộ gia đình ở xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) liên kết với đơn vị thu mua thu hoạch cà phê chín hoàn toàn, giá bán cao hơn giá thị trường từ 3.000 đồng trở lên

Gia đình ông Phạm Văn Thạch, trú tại thôn Tân Hòa, xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa) đang sản xuất gần 10 ha hồ tiêu. Từ cuối năm 2017, ông Thạch liên kết với Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà để sản xuất hồ tiêu sinh thái. Quy trình chăm sóc cây trồng theo yêu cầu của đối tác là không sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật chứa hóa chất. Do đó, gia đình ông Thạch đã sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, phân được ủ hoai mục hoặc các loại phân bón trên thị trường đủ tiêu chí chứng nhận sinh thái, hữu cơ sinh học.

Quy trình chăm sóc khắt khe, nhưng bù lại toàn bộ sản phẩm ông Thạch sản xuất ra được thu mua với giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Cụ thể, vụ mùa 2018, ông Thạch sản xuất được khoảng 20 tấn hồ tiêu theo hướng sinh học và được Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà thu mua với giá 97 ngàn đồng/kg. Trong khi giá tiêu trên thị trường vào thời điểm đó là 50 - 55 ngàn đồng/kg.

Ông Thạch chia sẻ: "Quy trình sản xuất này đang là xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp. Nhờ có sự liên kết, nên tôi mới biết sản xuất nông sản sạch. Nó gắn liền với sản xuất hữu cơ, sinh thái để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Hiện nay, vườn hồ tiêu của gia đình tôi đã được cấp chứng nhận sinh thái và sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu".

Tương tự, gia đình ông Phạm Đình Bộ, trú tại thôn 3, xã Đắk Sin (Đắk R'lấp), có 3 ha cà phê đang cho thu hoạch năm thứ 5. Năm 2017, từ chỗ sản xuất cà phê theo hướng truyền thống, ông đã liên kết với Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp để sản xuất cà phê theo hướng nông sản sạch.

Tham gia liên kết, ông Bộ được hướng dẫn sản xuất cà phê theo quy trình sạch vừa giảm chi phí vừa tăng hiệu quả đầu tư. Nhờ đó, rẫy cà phê tăng năng suất từ 2 – 2,5 tấn/ha lên thành 3,5 - 4 tấn/ha, lợi nhuận mỗi ha cũng tăng từ 30 – 40 triệu đồng. Điều quan trọng hơn, toàn bộ sản phẩm cà phê sau thu hoạch của gia đình ông Bộ được Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp (Đắk R'lấp) thu mua với giá cao hơn thị trường từ 3.500 đồng đến 6.000 đồng/kg.

Vườn cà phê dây của anh Hoàng Đức Chương trú tại thôn Thuận Nam, xã Thuận An (Đắk Mil) hiện vẫn chưa liên kết đầu ra sản phẩm

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện tổng diện tích cà phê được liên kết sản xuất chỉ là 10.755 ha, chiếm 8,4 % tổng diện tích cà phê của toàn tỉnh. Tương tự, thống kê năm 2018 của Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, tổng diện tích hồ tiêu toàn tỉnh 34.552 ha, sản lượng năm 2018 đạt 42.227 tấn. Việc liên kết sản xuất hồ tiêu còn ít, đa số người nông dân thông qua các công ty, đại lý thu mua trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm.

Cà phê, hồ tiêu là 2 cây chủ lực nhưng trong quá trình sản xuất, sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp còn quá ít so với tổng diện tích toàn tỉnh cũng như nhu cầu đặt ra. Đa số người dân bán sản phẩm thông qua các công ty, đại lý buôn bán phân bón và thu mua nông sản mà không có sự liên kết. Giá bán sản phẩm cũng vì thế mà lên xuống thất thường, phụ thuộc vào thương lái là chính.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu cơ bản để đủ sức cạnh tranh là sản phẩm phải sạch, chất lượng tốt, truy xuất được nguồn gốc… Để đáp ứng được những yêu cầu này, việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu.

 

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 34 công ty, doanh nghiệp, HTX và nhóm hộ tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, rau quả, với 11.302 ha, và 7.150 hộ tham gia.

 

Theo Báo Đăk Nông Điện tử


Bản in



Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
4
0
3
9
0

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
3
7